Gắn sao nhà hàng Việt gây tranh cãi, Michelin khẳng định đánh giá minh bạch, công tâm

08/06 06:06
 

Ông Gwendal Poullennec - giám đốc quốc tế của Michelin Guide - đã có cuộc trò chuyện với truyền thông để giải thích rõ về kết quả gắn sao gây nhiều tranh luận vừa qua.

Giám đốc quốc tế của Michelin Guide nói rằng những đầu bếp trẻ Việt có sự can đảm để dấn thân vào con đường đổi mới, sáng tạo cũng như tinh thần cởi mở tiếp nhận những cái mới trong chế biến món ăn.

Người yêu ẩm thực tranh luận về Michelin

Ngay sau lễ công bố Michelin Guide được tổ chức trọng thể vào tối 6-6 tại Hà Nội, danh sách nhà hàng vào Michelin Guide đã lập tức thu hút thực khách mê ẩm thực "soi" và cho ý kiến.

Điều này không bất ngờ bởi ẩm thực đa dạng bao nhiêu thì khẩu vị cũng đa dạng bấy nhiêu, thậm chí còn hơn. Nhưng bất ngờ là làn sóng tranh cãi, đúng hơn là bàn luận sôi nổi, về Michelin dường như vượt qua hình dung không chỉ của ban tổ chức.

  • Michelin ở Việt Nam: Sao nhiều phở và bún chả mà không có bún bò Huế?ĐỌC NGAY

Từ công chức đến nhà báo, giới truyền thông, luật sư, nghệ sĩ... nhân danh tình yêu ẩm thực đồng thanh bàn chuyện Michelin với đa chiều ý kiến. 

Có những ý kiến nói ẩm thực Việt mà chỉ có bốn nhà hàng được gắn một sao là quá ít, cần có nhiều nhà hàng được gắn sao hơn.

Thậm chí chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh và không ít người còn "mạnh dạn" đề nghị gắn sao... tất cả các nhà hàng/quán ăn tại Việt Nam vì với người yêu ẩm thực Việt, ăn gì và ăn ở đâu cũng thấy ngon. 

Cũng không hiếm người bảo Việt Nam chưa có nhà hàng nào xứng đáng được gắn sao Michelin!

Cũng có ý kiến không phục Michelin Guide vì các quán ăn đường phố nổi tiếng của ẩm thực Việt lại khá thưa vắng trong danh sách, cùng những ý kiến phàn nàn về nhà hàng nào đó lọt vào danh sách lại hoàn toàn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Một số người chê còn nêu quan điểm khi những quán ăn nhỏ được nhiều thực khách địa phương yêu thích hay những quán "ruột" của mình lại không vào được bất cứ hạng mục nào của Michelin Guide.

Những người này cho rằng đánh giá của Michelin không trùng với khẩu vị dân bản địa thì không phải là thẩm định sành sỏi và khôn ngoan bởi lẽ "đi tới tận cùng của tính bản địa sẽ gặp tính toàn cầu".

Theo họ, Michelin muốn mang ẩm thực Việt ra quốc tế thì phải đến được với những quán ăn đậm phong vị địa phương nhất.

Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế của nhiều người lại cho thấy những món địa phương muốn chinh phục được thực khách thế giới thì phải tìm được điểm chạm hài hòa của khẩu vị. Ví dụ như món sushi của Nhật Bản đã có nhiều "cải biên" để phủ sóng quốc tế như ngày nay.

Có thể thấy trong cuộc bàn luận về Michelin Guide trên mạng xã hội (mà phần nhiều mang tính tham gia góp vui vẻ chứ không phải căng thẳng) rất đa dạng và dường như ý kiến chiều nào cũng hợp lý với từng nhóm người.

Làn sóng bình phẩm sôi nổi về Michelin của đông đảo người Việt (rốt cuộc thì có ai không ăn và không có khẩu vị riêng) có lẽ cho thấy người Việt rất yêu ẩm thực và thích bàn luận về nó, chứ không chỉ là ưa tranh cãi.

Tự tin đánh giá độc lập, không "tham khảo" ý kiến mạng

Trước sự quan tâm đặc biệt của người Việt dành cho Michelin Guide, ông Gwendal Poullennec ngày 7-6 đã có cuộc trò chuyện với báo chí.

Bất ngờ với nhiều bàn luận trên mạng xã hội về Michelin Guide nhưng ông Gwendal nói không quá quan tâm việc tranh cãi bởi tổ chức này luôn cố gắng đánh giá độc lập, minh bạch nhất.

  • 'Bệ phóng' cho du lịch quốc gia từ những ngôi sao MichelinĐỌC NGAY

Không những không bận tâm những tranh luận có thể ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Michelin Guide hay không, ông Gwendal còn bày tỏ sự vui thích khi Michelin Guide nhận được quan tâm khi lần đầu tiên tới đây. 

Ông đánh giá những trao đổi này sẽ đóng góp vào việc nhận thức tốt hơn cho ẩm thực Việt Nam và mang ẩm thực Việt Nam tới thế giới.

Về danh sách nhà hàng của Michelin không thỏa mãn một số người, ông Gwendal khẳng định Michelin Guide với lịch sử hơn 120 năm kể từ năm 1900 tới nay đã đi qua hơn 40 nước, luôn giữ vững quy trình hoàn toàn riêng biệt, độc lập, kỹ lưỡng, chi tiết khi đánh giá các nhà hàng.

Sự đánh giá được đưa ra từ thẩm định trực tiếp của các thẩm định viên Michelin ẩn danh, để đảm bảo không có yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng đánh giá.

Đây là những người có kinh nghiệm về nhà hàng, ẩm thực, nấu ăn và có niềm đam mê chung là ẩm thực, mong tìm ra những viên ngọc trong làng nấu ăn, đảm bảo không bỏ sót bất cứ cơ sở ăn uống nào. Họ làm việc thẩm định toàn thời gian.

Mỗi năm ăn trưa ăn tối khoảng hơn 300 lần và không quay lại một nhà hàng nào lần thứ hai để đảm bảo không có "tiêu cực".

Để đánh giá các nhà hàng Việt Nam, những thẩm định viên này được đào tạo kiến thức ẩm thực Việt, được trải nghiệm đủ lâu để hiểu rõ.

Họ đã đến thưởng thức tất cả món ăn khác nhau, trải nghiệm từ nhà hàng sang trọng đến món ăn đường phố, quán ăn nhỏ. Kết quả thẩm định được rút ra từ một tập thể chứ không phải một người.

Quan trọng nhất của Michelin Guide là tính ổn định, nhất quán trên toàn thế giới và quy trình chủ yếu tập trung vào chất lượng" - ông Gwendal nói và nhấn mạnh đánh giá của Michelin là độc lập chứ không "tham khảo" các đánh giá từ cộng đồng, trên mạng.

Tại sao Michelin Guide đến Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về số lượng bốn nhà hàng được gắn một sao và danh sách quán ăn đường phố hơi ít so với kỳ vọng của nhiều người, ông Gwendal khẳng định Michelin không có mục tiêu về số lượng vinh danh mà chỉ hoàn toàn dựa vào chất lượng được thẩm định độc lập.

Kết quả vừa công bố là khởi đầu tốt khi lần đầu tiên Michelin Guide đến Việt Nam, để mở ra những kết quả ấn tượng hơn trong các năm tới. 

Ông cũng nói thêm lý do tại sao Michelin Guide đến Việt Nam là vì Michelin đánh giá cao nền ẩm thực của Việt Nam và nhìn thấy tiềm năng lớn trong tương lai.

Michelin Guide sẽ là yếu tố góp vào thay đổi của ngành ẩm thực Việt Nam và ông tin ẩm thực Việt sẽ sớm trở thành một điểm sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Điều này sẽ sớm thành hiện thực nhờ vào đội ngũ đầu bếp Việt trẻ - những người sẽ nâng tầm ẩm thực Việt bằng lòng can đảm đổi mới, sáng tạo, cởi mở với các phong vị đa dạng trên thế giới và chất lượng phục vụ tốt.

Trong cuộc trò chuyện với báo giới, ông Gwendal nhiều lần nhắc lại niềm tin của ông vào các đầu bếp trẻ Việt Nam, như những đầu bếp ở nhà hàng được gắn một sao: Gia, Tầm Vị, Anăn Saigon, Hibana by Koki và nhiều nhà hàng khác, đang mang đến một sự vận động lớn cho ẩm thực Việt.

Ông gửi tới những đầu bếp trẻ này lời khuyên đồng thời là lời khích lệ: Hãy can đảm, dấn thân và cởi mở hơn nữa để đổi mới, sáng tạo hơn trong những món ăn tuyệt vời của mình.

Tôn vinh ẩm thực hạnh phúc

Lễ công bố Michelin Guide vào tối 6-6 tại Hà Nội đã chứng kiến niềm hạnh phúc của nhiều đầu bếp trẻ.

103 nhà hàng ở hai thành phố được vinh danh ở 3 danh mục khác nhau: 70 nhà hàng đáp ứng được 5 tiêu chí của Michelin vào danh sách nhà hàng được Michelin đề xuất - MICHELIN Selected; 29 nhà hàng vào danh sách quán ăn ngon với giá cả phải chăng - Bib Gourmand. 3 cá nhân được vinh danh giải thưởng đặc biệt (MICHELIN Guide Special Awards) gồm: Sommelier Award (giải thưởng dành cho chuyên gia pha chế) - ông Yu Yamamoto, nhà hàng Lửa; Service Award (giải thưởng dành cho chất lượng phục vụ) - cô Nguyễn Thị Nụ, nhà hàng Vietnam House); Young Chef Award (giải đầu bếp trẻ tài năng) - Sam Trần , nhà hàng Gia.

Và đặc biệt là danh sách nhà hàng nhận sao Michelin (Michelin Stars Award) gồm: Anăn Saigon, Gia, Hibana by Koki của khách sạn Capella Hanoi và Tầm Vị.

Màn vinh danh nhà hàng nhận Sao Michelin diễn ra với rất nhiều cảm xúc của những đầu bếp trẻ được vinh danh.

Sam Trần nhận niềm vui kép cho cả cá nhân cô - đầu bếp trẻ tài năng - và cho nhà hàng do cô gây dựng được gắn sao. Sam Trần chia sẻ khi nhận danh hiệu đã không kìm nén được niềm vui, liên tục nói lời cảm ơn tới đồng đội của mình.

Cô gái trẻ lấy tên quán ăn là Gia với hàm ý tất cả nhân viên trong nhà hàng của cô đồng lòng làm việc, gắn bó với nhau như gia đình, để mang đến những bữa ăn hạnh phúc như những bữa ăn gia đình đầm ấm, yêu thương cho thực khách.

Đọc bài gốc tại đây.