Vĩnh Long - Mô hình "Ngôi nhà Kế hoạch nhỏ" không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thắp sáng niềm tin cho học sinh khó khăn thông qua việc...
Vĩnh Long - Mô hình "Ngôi nhà Kế hoạch nhỏ" không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thắp sáng niềm tin cho học sinh khó khăn thông qua việc tặng thẻ BHYT.
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, những "Ngôi nhà Kế hoạch nhỏ" lặng lẽ mọc lên từ những chiếc chai nhựa tái chế, kết tinh từ tấm lòng thơm thảo của học sinh Vĩnh Long. Nơi ấy không chỉ là điểm tập kết phế liệu, mà đã trở thành biểu tượng của sự sẻ chia, ươm mầm hy vọng và mang đến hơi ấm của tình người qua những tấm thẻ BHYT cho hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong niềm vui giản dị mà ấm áp, em Lê Thị Cẩm Hồng, học sinh lớp 5 có mẹ bệnh tim phải tần tảo bán vé số mưu sinh - cho biết, em cảm ơn thầy, cô và những bạn học sinh đã giúp em có BHYT. Mẹ con sẽ đỡ lo lắng mỗi khi em bị bệnh.
"Tấm thẻ nhỏ bé này không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà còn là lời giải tỏa gánh nặng, là niềm hy vọng vào cuộc sống cho cả gia đình em, khi còn có sự giúp đỡ từ cộng đồng khi gặp khó khăn", em Hồng cho biết thêm.
Cùng chung niềm vui và ý thức sẻ chia, em Trần Minh Thông, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phú Đức, huyện Long Hồ, hồn nhiên chia sẻ: "Trên đường đi học, em thấy những chai nhựa thì em dừng xe lại và nhặt mang đến trường bán. Vừa bảo vệ môi trường, vừa có thêm tiền giúp các bạn khó khăn".
Thầy Trần Hùng Phong - Phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Hội A, huyện Mang Thít - cho biết, trong thời gian đầu các em học sinh đã tích cực tham gia, từ ý thức bảo vệ môi trường nơi mình học tập đến việc hỗ trợ bạn học có hoàn cảnh khó khăn.
"Qua công tác tuyên truyền, đến biểu dương những em học sinh có tinh thần tích cực trong thực hiện mô hình "Ngôi nhà Kế hoạch nhỏ" đã tạo sức lan tỏa nhiều hơn", thầy Phong cho biết thêm.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh Vĩnh Long, cho biết, mô hình "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ" được xuất phát từ Huyện đoàn Long Hồ cách đây hơn 5 năm. Hiện tại được nhiều trường học tập kinh nghiệm và thực hiện.
Trong năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 207 Liên đội triển khai mô hình này, thu được hơn 513 triệu đồng từ việc bán phế liệu, chủ yếu là rác thải nhựa. Từ nguồn quỹ này, Hội đồng đội các trường học đã hỗ trợ mua BHYT cho 3.917 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Tuấn, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về mặt vật chất mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng học sinh.
"Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhân rộng và đa dạng hóa các hình thức, không chỉ dừng lại ở việc thu gom phế liệu mà còn hướng đến các hoạt động gây quỹ sáng tạo khác như tổ chức các phiên chợ đồ cũ, các hoạt động văn nghệ, thể thao gây quỹ, vận động sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đọc bài gốc tại đây.