Bạo lực học đường ngày càng nhiều, cần nắm bắt tâm lý học sinh từng cấp học

17/04 10:31
 

Vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng nhiều khiến môi trường giáo dục bị ảnh hưởng.

Vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng nhiều khiến môi trường giáo dục bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có ý kiến, gần đây, trên khắp các mặt báo có nhiều tin bài về vấn nạn bạo lực học đường, ngày càng nhiều sự việc học sinh có hành xử thiếu chuẩn mực đối với giáo viên và ngược lại.

Điều này là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống của văn hóa học đường, nếu không có những biện pháp kịp thời thì tình hình này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những hình ảnh không đẹp về nền giáo dục nước nhà và thế hệ thanh niên Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này tại buổi đối thoại với thanh niên thành phố ngày 16.4 vừa qua, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, vài năm trước, TP Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Đà Nẵng”.

Hoạt động này làm rất ráo riết với sự tham gia của nhiều đơn vị, sở, ngành trong đó có hội đoàn thể, ngành giáo dục, công an…. giúp tình trạng bạo lực học đường trên TP Đà Nẵng giảm rất nhiều. Tuy vậy, những năm trở lại đây, tình trạng bạo lực học đường nổi lên với nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc các em sử dụng mạng xã hội có tác động lớn, khó quản lý.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho hay, vấn nạn bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, phức tạp cần phải quan tâm để xử lý tốt hơn trong thời gian tới.

Đối với hành vi bạo lực học đường phải xem xét cá nhân học sinh đó như thế nào, có những hành vi gì, các em sống trong gia đình ra sao, rồi sau đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc quán triệt, theo sát các em.

Về giải pháp đối với vấn đề này, ngành Giáo dục TP Đà Nẵng sẽ tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh từ những cấp thấp như THCS. Thông thường các em từ lớp 6 đến lớp 9 sẽ có tâm sinh lý thay đổi, khi các em chuyển qua môi trường sống hoặc học tập mới có thể dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn với bạn bè xung quanh. Như trường hợp tại một trường THCS ở quận Cẩm Lệ, các em học sinh nữ lớp 6 đánh nhau, gây gổ dẫn đến các hoạt động giáo dục tại trường ảnh hưởng.

Đối với bậc THPT, ông Linh cho rằng thầy cô và gia đình cần nắm bắt, nhận diện được các em học sinh có dấu hiệu bất thường, nhất là những em lớp 10 để có thể can thiệp về tâm sinh lý, tư vấn, chia sẻ với các em.

Để làm được như trên thì địa phương xác định phải xây dựng được môi trường, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhân lực dạy học, quản lý đối với cán bộ quản lý và các giáo viên tại các trường. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng phối hợp với phụ huynh ký cam kết giáo dục học sinh trong khoảng thời gian đầu năm học; phối hợp với công an địa phương để có công tác ngăn chặn và phòng chống bạo lực xảy ra.

“Đặc biệt, một công dân được sống trong cộng đồng có môi trường ở tổ dân phố, ở xã phường, địa phương tốt thì sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường. Nếu những người lớn, người thân trong gia đình có hành vi tốt, có giáo dục tốt thì sẽ giảm thiểu được hành vi bạo lực học đường đối với các em” – ông Linh chia sẻ.

Đọc bài gốc tại đây.