Bất ngờ với mức lương của ngành học lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

19/04 06:00
 

Từ mùa tuyển sinh năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở ngành học đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên...

Từ mùa tuyển sinh năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở ngành học đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên tại Việt Nam.

Chương trình đào tạo chính quy đầu tiên tại Việt Nam

Sau nhiều năm nghiên cứu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chính thức tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế và phát triển game với 200 chỉ tiêu.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho biết, đây là chương trình có tính chuyên sâu, xây dựng để đào tạo các chuyên gia thiết kế và phát triển trong ngành công nghiệp game.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo về công nghệ cũng như một số môn học về game. Khi tách thành một ngành riêng, học viện sẽ thiết kế đào tạo ngành học trong 4 năm, 8 kỳ với 135 tín chỉ. Cấu trúc của chương trình sẽ kết hợp hài hòa giữa công nghệ và khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, kinh tế, đặc biệt là kiến thức về pháp luật, an toàn bảo mật.

Cơ hội việc làm lớn, mức lương hấp dẫn

Theo trang web phân tích dữ liệu thị trường game Newzoo, năm 2023, doanh thu ngành game ước tính đạt 183 tỷ USD. Dự báo đến năm 2026, con số này sẽ tăng lên mốc 212,4 tỉ USD.

Tại thị trường Đông Nam Á, doanh thu ngành game đã có bước nhảy vọt từ 2,4 tỉ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỉ USD năm 2023. Trong đó, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh hơn so với các nước cùng khu vực.

“Qua số liệu khảo sát trong 5 năm liên tục của chúng tôi cũng như các số liệu được công bố bởi Bộ Thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan, nhu cầu của ngành công nghiệp game ở Việt Nam hiện nay khá lớn. Trung bình một doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng từ 20 đến 50 nhân viên, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế; khoảng 50 nhân viên trong lĩnh vực phát triển game.

Nhiều vị trí việc làm mà sinh viên ngành game có thể ứng tuyển như chuyên gia thiết kế kịch bản game, chuyên gia phát triển game, chuyên gia kiểm thử game hay người vận hành hệ thống game. Ngoài ra, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể chủ động khởi nghiệp với các sản phẩm game do chính mình tạo ra - đây là đặc thù của ngành nghề này” - TS Cao Minh Thắng cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Thắng, mức lương khởi điểm dành cho các vị trí thiết kế và phát triển game dao động trong khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực cá nhân. Sau từ 2 - 3 năm, mức lương này sẽ có sự phân hóa rõ rệt, thậm chí có bạn nhận mức lương đến 50 triệu đồng/tháng.

Yêu cầu đối với sinh viên theo học

Trước Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ở Việt Nam chưa có bất kỳ trường đại học công lập nào đào tạo về ngành game. Nhân lực trong ngành game của Việt Nam chủ yếu đến từ những ngành đào tạo gần như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa...

Khi tiếp nhận thông tin về một ngành đào tạo hoàn toàn mới, nhiều bạn học sinh hoang mang không biết cần những yếu tố nào để có thể theo đuổi ngành này.

“Một trong những yêu cầu quan trọng đối với sinh viên học ngành Thiết kế và phát triển game là cần có nền tảng tư duy logic tốt. Để tạo ra một sản phẩm game hay, hấp dẫn người chơi cần kết hợp nhiều yếu tố như thu hút được người chơi và níu chân họ; đem lại lợi ích cho cộng đồng và có khả năng tạo ra doanh thu.

Bên cạnh đó, các bạn cần có sự kiên trì. Quá trình học tập trong nhà trường, có rất nhiều môn học thuộc kiến thức liên ngành khác nhau từ khoa học, công nghệ cho đến kinh tế, tâm lý. Từ đó đòi hỏi người học kiên trì và học tập nghiêm túc. Dựa trên những nền tảng kiến thức như vậy thì mới có thể tạo ra những sản phẩm game chất lượng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới” - ông Thắng chia sẻ.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông đặt kế hoạch trong 5 năm, doanh thu ngành game sẽ đạt mức 1 tỉ USD. Trong 2 - 3 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game nói chung và ngành thể thao điện tử nói riêng.

Đọc bài gốc tại đây.