2 đại học quốc gia sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ 1.9, có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và sử dụng con dấu...
2 đại học quốc gia sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ 1.9, có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị định số 201/2025/NĐ-CP ngày 11.7.2025 quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia thay thế Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17.11.2013 của Chính phủ về đại học quốc gia.
Theo điều 2 của Nghị định, đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ GDĐT quản lý, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Đại học quốc gia có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; có một số lĩnh vực đào tạo dẫn đầu trong nước và được xếp hạng cao trên thế giới.
Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GDĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành khác và UBND các cấp nơi đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định của pháp luật.
Về nhân sự, hai đại học thực hiện quy trình, báo cáo để Bộ trình Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc, phó giám đốc. Hai trường được quy định chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên, giao kết hợp đồng lao động với các giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong hoạt động đào tạo, đại học quốc gia được xây dựng quy chế; các chương trình đào tạo thực hành, chuyên biệt, đặc biệt, năng khiếu, tài năng để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ.
Với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, hai cơ sở này có quyền đề xuất, thực hiện các chương trình cấp quốc gia, cấp bộ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng, tổ chức chương trình hợp tác khoa học và công nghệ trong và ngoài nước.
Về tài chính, tài sản, Nghị định quy định đại học quốc gia là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách; thực hiện quản lý thống nhất việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia; chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quyết toán ngân sách của đại học quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành.
Nghị định cũng quy định, đại học quốc gia chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, người học và xã hội về hoạt động của đại học quốc gia trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Các đơn vị này được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia.
Khi cần thiết, đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia; thực hiện việc cung cấp thông tin, báo cáo phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi đại học quốc gia, đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định của pháp luật.
Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, nghị định mới của Chính phủ đã trao quyền tự chủ rất cao trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tài chính, hợp tác quốc tế và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Hệ thống quản trị đại học hiện đại được tổ chức phân cấp - phân quyền rõ ràng, gắn trách nhiệm giải trình. Trung ương quản lý chuyên môn, địa phương quản lý con người, cơ sở vật chất; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước. Việc trao quyền tự chủ toàn diện, tạo nền tảng để đại học quốc gia bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Hiện cả nước có 2 đại học quốc gia gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM. Trước đó, cuối năm ngoái, trong văn bản về Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ có một nội dung liên quan đến việc sắp xếp 2 đại học quốc gia. Theo đó, 2 đại học quốc gia được đề xuất chuyển về Bộ GDĐT để quản lý.
Đọc bài gốc tại đây.