Chuẩn hóa đề thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo công bằng

05/07 12:50
 

Nhiều ý kiến giáo viên , chuyên gia cho rằng, cần có sự điều chỉnh ở độ khó, cách ra đề thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo mục tiêu...

Nhiều ý kiến giáo viên, chuyên gia cho rằng, cần có sự điều chỉnh ở độ khó, cách ra đề thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo mục tiêu của kỳ thi 2 trong 1 và quan trọng hơn, đảm bảo công bằng với mọi thí sinh.

Đề thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 12 thi cử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các em thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kết thúc kỳ thi, nhiều thí sinh bật khóc vì đề môn Toán, tiếng Anh quá khó.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - cho hay, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh hoàn tất lớp 12 được kỳ vọng đạt trình độ tiếng Anh B1 theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR) nhưng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 lại xuất hiện loạt câu hỏi có độ khó vượt ngưỡng B1, cả về từ vựng lẫn kỹ năng đọc hiểu.

“Bài đọc mang tính học thuật, cấu trúc câu phức tạp, yêu cầu suy luận và phân tích sâu, vốn không phù hợp với năng lực của học sinh lớp 12 theo mục tiêu của chương trình. Điều này tạo tâm lý lo lắng, hoang mang của nhiều phụ huynh, học sinh sau khi kết thúc bài thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT” - ông Vinh nhận xét.

Lý giải về độ khó của đề thi, GS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi, Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của năm nay là ma trận đề thi được phát sinh ngẫu nhiên trong quá trình làm, thay vì có từ trước như những năm qua.

Ông đánh giá cách ra đề này đảm bảo tính khách quan, vì người dạy và học không thể đoán biết từ trước. Đây cũng là cách để học sinh đảm bảo học thật, thi thật.

Theo thầy Đinh Đức Hiền - Giám đốc điều hành Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang: "Với sự đổi mới triệt để của đề thi năm 2025 đã khiến không ít thầy cô, học sinh sốc. Nhưng tôi nghĩ, cái sốc đôi khi lại cần thiết để chúng ta bừng tỉnh sau thời kỳ giáo dục nặng về truyền đạt kiến thức kéo dài, áp lực phải thay đổi".

Đề thi cần được chuẩn hóa

Thầy Đinh Đức Hiền khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới đột phá. Sự thay đổi này buộc nhà trường, giáo viên, học sinh phải thực sự thay đổi cách dạy và học.

Với đề thi này, kiến thức SGK sẽ chỉ là kiến thức nền tảng, cần thêm dữ liệu bên ngoài, học sinh sẽ phải có khả năng tư duy, phân tích, kết hợp các năng lực khác nhau để tìm ra câu trả lời. Song, theo thầy Hiền, cái khó của Ban ra đề ở chỗ là làm sao chỉ với việc làm bài 50 phút, 90 phút đề thi phải đáp ứng tất cả các yêu cầu từ việc phân hóa học sinh, kiểm tra đánh giá các năng lực khác nhau. Chính điều này phần nào đó sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo hay thậm chí co kéo dữ liệu ngoài vào đề thi.

"Những năm tới phải sát với thực tế giáo dục hơn, trên nguyên tắc học gì thi nấy. Biên soạn một đề thi khó không hề khó, đề thi phù hợp mới khó. Và khi đề thi còn mang trên mình đồng thời vai trò xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học thì khi đó sẽ còn những cái “vênh” nhất định" - thầy Hiền nói.

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS Hoàng Ngọc Vinh đặt ra vấn đề, đề thi có thể chưa được chuẩn hóa bằng thử nghiệm thực tế. Trong khi yêu cầu là đề thi phải qua nhiều vòng thử nghiệm để đánh giá độ khó, tính hợp lệ và độ tin cậy. Việc thiếu minh bạch trong quy trình xây dựng đề là điều không thể xem nhẹ đối với một kỳ thi quốc gia có ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn học sinh mỗi năm.

Để đảm bảo sự ổn định của các kỳ thi, ông Vinh cho rằng, Bộ GDĐT rất cần chuẩn hóa đội ngũ xây dựng đề thi quốc gia cả về chuyên môn lẫn kỹ thuật ra đề, thiết kế bài thi chuẩn hóa, phản ánh đúng chuẩn đầu ra và bảo đảm độ tin cậy.

Việc chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, chưa kịp chuẩn bị và gây "ngỡ ngàng cho giáo viên và học sinh thì cần xem xét trách nhiệm của chính cơ quan quản lý trung và địa phương" - ông Vinh nói.

Đề thi không vượt quá chương trình

Bộ GDĐT khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay gia tăng các các câu hỏi có tính phân hóa, nội dung không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình mới. Song, bộ cho biết, ghi nhận phản ánh về độ khó của đề thi môn Toán và Tiếng Anh. Sau đó, sẽ có xem xét cụ thể khi công tác chấm thi hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến về đề thi để làm tốt hơn trong những năm tiếp theo, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Đọc bài gốc tại đây.