Năm 2025, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng. Giáo viên cả nước kỳ vọng đạt được những thay đổi tích cực và...
Năm 2025, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng. Giáo viên cả nước kỳ vọng đạt được những thay đổi tích cực và giảng dạy hiệu quả.
"Mong sao bản thân đuổi kịp tốc độ đổi mới"
Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Phước Nhuận - giáo viên Trường THCS Long Lâm (Nghệ An) - sau 23 năm gắn bó với nghề. Cô Nhuận nhận xét, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đem đến nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình lẫn phương pháp giảng dạy, ứng dụng khoa học công nghệ... Trong bối cảnh đó, mỗi nhà giáo phải liên tục học hỏi, trau dồi, nâng cao chuyên môn mỗi ngày.
"Liệu cách dạy của mình còn phù hợp? Học sinh có thể học tập hiệu quả hay không?" - cô Nhuận luôn tự hỏi và lấy đó làm động lực để cố gắng mỗi ngày.
Ở tuổi 43, vượt qua sự tự ti và rào cản khả năng sử dụng công nghệ, cô Nhuận luôn cố gắng tìm hiểu, sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng dạy học hiện đại; tìm hiểu những cách dạy hay, tiên tiến để áp dụng vào từng bài giảng của mình. Với cô, sự hứng thú của học sinh trong từng tiết học chính là niềm vui lớn lao.
"Tôi hy vọng, học sinh của mình sẽ học được nhiều nhất có thể, không chỉ kiến thức trên sách vở mà còn các kỹ năng mềm, kiến thức thực tế. Về phía học trò, tôi luôn mong các em chủ động, rèn luyện cho mình khả năng tự học và sáng tạo" - cô nói.
Cô Nhuận cho rằng, đổi mới giáo dục là cả một quá trình đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi nguồn lực lớn mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Đó là tâm huyết, sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ nhà giáo.
Đề xuất chương trình mới nhẹ bớt
Cô Lê Anh Thi - giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9, TPHCM) - chia sẻ mong mỏi của mình, xuất phát từ chính những lời tâm sự của phụ huynh học sinh. Cô cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới ở nhiều môn học yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cao hơn so với khả năng học tập và tiếp nhận của học sinh, điển hình như ở bậc Tiểu học.
Với thực tế đó, cô Thi đề xuất xây dựng và tổ chức chương trình học tập phù hợp hơn, trên cơ sở giảm tải kiến thức, đảm bảo vừa sức với học sinh.
Bên cạnh sức nặng của chương trình, một trăn trở nữa được cô Thi chia sẻ là số lượng học sinh mỗi lớp đang ở mức cao, trung bình khoảng 40 em/lớp. Điều này khiến giáo viên khó lòng bao quát lớp học và sâu sát từng em học sinh.
"Khả năng tiếp thu kiến thức và học tập của mỗi em cũng không đồng đều, nhiều lúc tôi gặp khó trong việc hỗ trợ các em" - cô kể.
Dù là giáo viên trẻ, có thế mạnh trong việc sử dụng công nghệ, song cô Thi cũng bày tỏ mong muốn được tham gia các lớp học, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, góp phần đổi mới bài giảng theo hướng hiện đại, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2024 ghi dấu về sự quyết liệt trong các chính sách đầu tư, quan tâm tới giáo dục từ trung ương tới địa phương; rất nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù về học phí, về chính sách cho nhà giáo, về đầu tư cơ sở vật chất… để thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo.
Song, những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thiếu giáo viên, áp lực để làm nghề, giữ nghề của nhà giáo trong điều kiện còn khó khăn về thu nhập, khó khăn về điều kiện làm việc và cả sức ép để thích ứng với đòi hỏi của quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo đang diễn ra… đều là những thách thức lớn đang đặt ra cho ngành.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng đặt ra bài toán về việc thích ứng, quản lý, quản trị trong môi trường giáo dục. "Tôi mong rằng những quan tâm, những chính sách quyết liệt, hiệu quả này sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Tôi cũng mong rằng, sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của xã hội với ngành giáo dục đã nhiều sẽ nhiều hơn nữa" - bộ trưởng kỳ vọng.
Đọc bài gốc tại đây.