Liên hoan các ban nhạc/nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội năm 2025 khai mạc chiều ngày 14.4.
Liên hoan các ban nhạc/nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội năm 2025 khai mạc chiều ngày 14.4.
Đây là lần thứ hai liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội được tổ chức. Liên hoan năm nay có chủ đề "Xây dựng trường học hạnh phúc".
Liên hoan năm nay có 37 đội đến từ 37 trường THPT tham gia, tăng 3 đội so với liên hoan lần thứ nhất, trong đó bao gồm các trường THPT công lập, tư thực; các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường quốc tế. Điểm đặc biệt của liên hoan lần này là có sự tham gia của một số học sinh quốc tế, học sinh khiếm thị.
Phát biểu khai mạc liên hoan, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội lần thứ II là chuỗi hoạt động nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu, tiêu chí theo đề nghị của tổ chức UNESCO về đề xuất công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố toàn cầu. "Đặc biệt hơn nữa, hoạt động này còn nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước" - ông nói.
Ông Cương bày tỏ, thông qua liên hoan, các em học sinh không chỉ được thể hiện tài năng âm nhạc mà còn học được những bài học quý giá về tinh thần đoàn kết, sự tự tin và khả năng làm việc nhóm. Những kỹ năng này sẽ là hành trang quan trọng khi các em bước vào con đường tương lai.
Qua đây, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đề nghị, các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục văn hóa, thể thao, mỹ thuật, đặc biệt là âm nhạc; xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa âm nhạc đến gần học sinh và tạo điều kiện cho các ban nhạc, nhóm nhạc được sinh hoạt, tập luyện, biểu diễn trong và ngoài nhà trường.
Ở phần thi mở đầu Liên hoan, các em Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã đem đến bản hòa tấu "Tứ Qúy", kết hợp với Bài ca trường Nguyễn Tất Thành và bài hát Hồ Trên Núi. Các em học sinh đã tự tin trình diễn và kết hợp nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như sáo, đàn tranh, đàn nguyệt, trống... Các em cũng là thành viên của Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc tại trường.
Em Nguyễn Hà Linh - học sinh lớp 11, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - chia sẻ: "Phần hòa tấu và các bài hát chúng em mang đến liên hoan hôm nay với mong muốn mang đến sự mới mẻ và không khí vui tươi, những điều tốt đẹp - phù hợp với chủ đề năm nay là Xây dựng trường học hạnh phúc".
Đảm nhiệm vị trí chơi đàn nguyệt trong đội, Hà Linh kể, em mất 2 năm để tập chơi loại nhạc cụ này. Trước đó em cũng đã từng dành thời gian 4 năm để tập chơi sáo.
Em cho biết, tại trường, nhạc cụ dân tộc được đưa vào chương trình học của tất cả học sinh (trừ khối 9 và khối 12) với thời lượng 2 tiết/tuần. Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc của trường cũng hoạt động sôi nổi, được đông đảo học sinh hưởng ứng.
"Chính vì vậy, chúng em có môi trường để tập luyện chơi các nhạc cụ truyền thống. Các em trong đội đều đã có khả năng rất tốt và chúng em chỉ mất khoảng 1 tháng để hợp luyện cùng nhau để đi thi" - em nói.
Bên cạnh đó, các em học sinh đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố cũng đã đem đến liên hoan nhiều phần trình diễn đặc sắc, hấp dẫn; thể hiện tài năng và sự tự tin trình diễn trên sân khấu lớn.
Theo thể lệ, Liên hoan các ban nhạc/nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội bao gồm 2 vòng thi. Vòng sơ khảo diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 - 16.4. Vòng chung khảo sẽ được tổ chức vào ngày 28.4 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô.
Đọc bài gốc tại đây.