TPHCM - Khi không được sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, học sinh đã chủ động tham gia các hoạt động ngoài trời, trò chuyện và kết nối...
TPHCM - Khi không được sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, học sinh đã chủ động tham gia các hoạt động ngoài trời, trò chuyện và kết nối với bạn bè nhiều hơn.
Ngày 10.7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã có thông báo kết luận của Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu tại hội nghị giao ban sau khi sáp nhập.
Trong đó, ông Hiếu đã giao nhiệm vụ cho Phòng Học sinh, sinh viên nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường. Chỉ riêng những trường hợp giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ trong giờ học thì học sinh mới được sử dụng điện thoại.
Việc Sở GDĐT TPHCM dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại, kể cả trong giờ chơi, đã nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh và cả giáo viên.
Thực tế, tại TPHCM, ở nhiều trường học, quy định trên cũng đã được áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực.
Tại Trường THPT Trường Chinh, trong 2 năm học qua, những giờ ra chơi, sân trường đã sôi động hơn, khi học sinh kéo nhau xuống sân trường chơi bóng, hát hò, trò chuyện rôm rả.
Phạm Gia Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Trường Chinh chia sẻ: “Từ khi không dùng điện thoại nữa, tụi em tham gia nhiều hoạt động hơn như xuống sân chơi thể thao, đàn hát, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Không còn cảnh ai cũng ngồi trong lớp cắm cúi vào điện thoại”.
Bảo Ngọc kể rằng trước kia, trong căng tin, nhiều bạn có thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại, ít khi trò chuyện với nhau. Giờ đây, việc giao tiếp, kết nối trực tiếp trở nên thường xuyên và tự nhiên hơn.
Tương tự, em Hiền Anh cho biết, học sinh ở trường đang ngày càng hòa đồng và cởi mở hơn: “Trước em thường ngồi trong lớp ngủ, buồn buồn thì nghịch điện thoại. Bây giờ, em tham gia hoạt động câu lạc bộ như nhảy, hát, chơi thể thao. Không khí vui hơn nhiều”.
Thiên Phúc, một học sinh khác nói ban đầu thấy lạ khi không được dùng điện thoại, nhưng sau đó lại cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực: “Giờ ra chơi, em ra sân chơi, nói chuyện với bạn bè. Em thấy vui hơn trước nhiều. Mình vẫn được mang điện thoại theo để liên lạc khi cần thiết, nhưng không còn bị lệ thuộc nữa”.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, phụ huynh một học sinh lớp 11, bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối: “Tôi rất ủng hộ quy định này. Ở nhà, con cứ ôm điện thoại suốt nên tôi cũng lo lắng. Nhưng biết rằng vào trường con không được dùng thì tôi thấy yên tâm hẳn. Cũng nhờ vậy mà cháu nói chuyện với bạn bè nhiều hơn, tính cách cũng cởi mở hơn”.
Theo chị Thu, ban đầu hơi lo lắng khi con không thể dùng điện thoại, nhất là khi cần liên hệ đột xuất. Tuy nhiên, khi biết nhà trường có hỗ trợ gọi từ điện thoại bàn và có khu vực cho học sinh sử dụng trong trường hợp cần thiết, phụ huynh hoàn toàn yên tâm và đánh giá cao sự linh hoạt, nhân văn trong cách làm của nhà trường.
Theo ông Lâm Triều Nghi – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại đã được trường áp dụng từ lâu với sự đồng thuận cao của cả phụ huynh và giáo viên.
“Ở nhà, phụ huynh không kiểm soát được việc con sử dụng điện thoại. Nhưng vào trường, các em phải tuân thủ quy định, điều này giúp cha mẹ yên tâm hơn”, ông Nghi chia sẻ.
Ông cho biết thêm, nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh liên lạc với phụ huynh khi cần bằng cách sử dụng điện thoại bàn tại phòng giám thị. Với những lớp có sử dụng điện thoại cho học tập, giáo viên sẽ ghi rõ lên bảng để giám thị biết và giám sát.
“Chúng tôi làm việc này nhiều năm nay rồi. Kết quả cho thấy học sinh năng động hơn, không khí học đường tích cực hơn rất nhiều”, ông Lâm Triều Nghi nói.
Đọc bài gốc tại đây.