TOEIC như một cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên, người đi làm để nâng cao trình độ tiếng Anh.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, việc đào tạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cần có những đổi mới phù hợp.
Tấm vé mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm
Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tự động hóa tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trước đây thế mạnh của Tuấn Anh chỉ là các môn học tự nhiên. Phải đến tận năm 3 đại học, Tuấn Anh mới bắt đầu tham gia lớp học thêm ngoại ngữ để đáp ứng chuẩn đầu ra của trường.
"Vì thời gian học không nhiều và bản thân cần trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh nên tôi đã lựa chọn học và thi TOEIC tại trường.
Nhờ những nền tảng sau khi học tôi đã tự tin nói chuyện bằng tiếng Anh hơn rất nhiều so với trước. Việc học tập và được đánh giá chuẩn đầu ra bằng bài thi TOEIC giúp tôi có cơ hội nâng cao khả năng đọc hiểu các tài liệu, thông tin và giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường công việc. Đặc biệt, nó đã mở thêm nhiều cơ hội trong công việc" - Tuấn Anh cho biết.
Từ những thành tích từ trước, cộng thêm khả năng ngoại ngữ, nên ngay khi vừa ra trường, bạn đã trở thành Kỹ sư cơ điện cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Việc sử dụng các bài thi quốc tế như TOEIC để làm chuẩn đầu ra cho sinh viên được rất nhiều trường đại học Việt Nam áp dụng. Bên cạnh đó, các công ty hay tập đoàn lớn khi tuyển dụng cũng đánh giá cao những ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ này, đôi khi là yêu cầu bắt buộc.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng, tại Hội nghị "Visionary Leaders Summit: Future Forward with English Proficiency" do IIG Việt Nam phối hợp với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tổ chức ngày 8.9, ông Đinh Quốc Long - Phó Giám đốc Nhân sự Vietjet Air - chia sẻ: "Trong chúng ta không ai muốn ở ngồi yên ở một vị trí cả đời của mình. Khi muốn nhìn lên trên, mỗi người đều muốn được đề bạt vào vị trí cao hơn, gánh những trách nhiệm cao hơn. Chính vì vậy, yếu tố kỹ năng, kiến thức sẽ được xem xét, đặc biệt là trình độ tiếng Anh.
Tại Vietjet Air, các tiếp viên có thể ứng tuyển bắt đầu với TOEIC 500. Trong quá trình làm việc, sẽ có 4 cấp độ, mỗi bậc sẽ gắn liền với lương và chế độ thưởng khác nhau. Như vậy, nếu chúng ta mong muốn có mức lương cao hơn, đương nhiên bản thân phải có vị trí cao hơn".
Bên cạnh đó, ông Long cũng nhấn mạnh chứng chỉ TOEIC là một trong những công cụ quan trọng để Vietjet sử dụng trong quá trình tuyển dụng.
Giảng dạy, đánh giá toàn diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
TOEIC là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn toàn cầu được tổ chức bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ ETS (Educational Testing Service). Hiện nay, bài thi TOEIC được sử dụng rộng rãi ở hơn 18.000 tổ chức tại hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới. TOEIC đã được sử dụng trong nhiều bối cảnh và với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài việc được các trường đại học sử dụng để đánh giá chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng bài thi TOEIC trong quá trình sàng lọc ứng viên hay sắp xếp nhân sự.
Chính vì chứng chỉ TOEIC ngày càng được được sử dụng rộng rãi, do đó phương pháp học, cách đào tạo, tổ chức kì thi cần được cải thiện một cách toàn diện, định hướng chuẩn cho các trường hay doanh nghiệp.
Lấy ví dụ thực tiễn về quá trình đào tạo và đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại nhà trường, PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Viện ngôn ngữ quốc tế học, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng với chương trình tiêu chuẩn, được giảng dạy bằng tiếng Việt, sinh viên của trường được yêu cầu đạt chuẩn đầu ra về tiếng Anh và tất cả các sinh viên trước khi tốt nghiệp có thể thi và nộp điểm bài thi TOEIC hoặc TOEFL iBT hoặc IETLS hoặc PTE hoặc các bài thi khác.
“Nhưng hầu hết sinh viên của chúng tôi đều lựa chọn thi và nộp kết quả thi TOEIC bởi vì sinh viên hiểu được tầm quan trọng của bài thi, cũng như tính ứng dụng của bài thi. Bài thi TOEIC cho chúng ta thấy được nhiều cấp độ tiếng Anh khác nhau qua thang điểm và có thể được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau trong kinh doanh thương mại hay du lịch. Nhiều sinh viên của chúng tôi học ngành kinh doanh và thương mại, do đó bài thi TOEIC phù hợp với những yêu cầu của nhà tuyển dụng tiềm năng của các sinh viên này” - PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang cho biết.
Hiện nay Khoa ngoại ngữ của nhà trường cũng thiết kế chương trình giảng dạy theo định hướng bài thi TOEIC đối với module tiếng Anh tổng quát đầu tiên.
“Hiện tại, trường của chúng tôi cung cấp các khóa học chuẩn bị cho kỳ thi TOEIC phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Những sinh viên muốn dự thi TOEIC nghe đọc, có thể tham gia khóa học. Nhưng chúng tôi cũng đào tạo để giúp sinh viên phát triển thêm kỹ năng nói và viết để chuẩn bị cho bài thi TOEIC nói và viết. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng tất cả các trường đại học tại Việt Nam đều sẽ tiếp cận bài thi TOEIC 4 kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế" - PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.
Cần sự đồng hành để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai
Là một nhà nghiên cứu về khảo thí ngôn ngữ, Tiến sĩ Jonathan Schmidgall - Chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao, Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cho biết, bài thi TOEIC giúp rèn luyện nhiều kỹ năng, nội dung bài thi phản ánh chính xác năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực.
"Để xác định mức độ thông thạo tiếng Anh, mọi người cần đánh giá dựa trên nhiệm vụ thực tế, sử dụng dữ liệu đáng tin cậy và thiết lập tiêu chuẩn phù hợp.
Ngay từ bài thi nói của TOEIC, bằng việc cung cấp cho thí sinh thông tin thực tế như lịch trình sự kiện. Nhiệm vụ của thí sinh là đọc và hiểu thông tin, sau đó trả lời các câu hỏi. Rõ ràng, nhiệm vụ này yêu cầu khả năng đọc, nghe và cuối cùng là nói, giống như các nhiệm vụ trong thực tế, thường đòi hỏi nhiều kỹ năng ngôn ngữ cùng lúc" - ông Jonathan Schmidgall cho hay.
Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam thì cho rằng để nâng cao việc dạy và học tiếng Anh rất cần việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức giáo dục quốc tế để không ngừng cải thiện giải pháp, sản phẩm, mang lại những giá trị chất lượng và hiệu quả tối ưu cho nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần mở rộng thêm và phát triển các chương trình đào tạo TOEIC mới theo kịp xu thế và nhu cầu toàn cầu.
“Thấu hiểu và hỗ trợ học viên cũng rất quan trọng để cùng đồng hành lâu dài và tiến tới phát triển bền vững. Đặc biệt, cần tăng cường kết nối giữa khối trường và khối doanh nghiệp để chung tay nâng tầm nhân lực Việt đạt năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế" - ông Nam nói thêm.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo Kết luận 91-KL/TW về trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó cần tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Để sớm hiện thực hóa điều này cần sự đồng hành, chung tay của nhà trường, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới từ phương pháp giảng dạy đến kiểm tra đánh giá tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Đọc bài gốc tại đây.