Khi tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền, giáo viên bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.
Khi tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền, giáo viên bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.
Điều kiện giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường từ 2.2025
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh từ ngày 14.2.2025 phải thực hiện các yêu cầu sau:
Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về: Các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Theo đó, từ ngày 14.2.2025, khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành, nếu giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tùy theo hình thức quy mô dạy thêm mà việc dạy thêm có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh 1 trong 1 hình thức: đăng ký thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
Không đăng ký kinh doanh dạy thêm phạt thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, áp dụng mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Đồng thời, với mức phạt tiền trên cũng sẽ áp dụng với các hành vi sau đây:
Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Giáo viên lưu ý: Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP cũng quy định mức phạt 5 - 10 triệu sẽ thực hiện đối với cá nhân. Còn với tổ chức, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với trường hợp dạy thêm phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện, mức xử phạt được quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Đồng thời, buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký (khoản 5 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)
Tổ chức có hành vi nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, nếu dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; tổ chức bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân bị phạt từ 25 - 50 triệu đồng.
Đọc bài gốc tại đây.