Chỉ còn ít ngày nữa, các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Những ngày nước rút này, nhiều em không khỏi căng...
Chỉ còn ít ngày nữa, các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Những ngày nước rút này, nhiều em không khỏi căng thẳng, áp lực.
Ngủ mơ thấy đang giải đề
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Với nhiều học sinh lớp 12, đây là áp lực lớn, tạo căng thẳng trong quá trình học và ôn.
Quay cuồng với lịch trình ôn tập dày đặc, Bùi Đức Trung - học sinh lớp 12 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Em phải cắt bớt giờ ngủ để có thời gian luyện đề. Hầu như ngày nào em cũng học đến 1 - 2 giờ sáng rồi dậy lúc 6 giờ để tiếp tục học. Có lúc mệt quá, em mơ thấy mình đang làm đề thi trong khi ngủ”.
Theo nam sinh, áp lực không chỉ đến từ đề thi mới hay điểm số mà còn từ tâm lý so sánh. “Bạn bè xung quanh ai cũng đặt mục tiêu vào các trường đại học top đầu, nếu mình không cố thì sẽ bị tụt lại. Bố mẹ cũng kỳ vọng em vào một trường tốt để có tương lai nên em không dám nghỉ ngơi vào lúc này” - Trung nói.
Không riêng Trung, nhiều thí sinh khác cũng đang trong trạng thái tương tự: căng thẳng kéo dài, ngủ không đủ giấc, ít vận động và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều thí sinh đang phải “gồng mình” trong giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, Hoàng Thị Hà - học sinh lớp 12 tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) dành đến 9-10 tiếng cho việc học. Nhưng càng học, em càng thấy lo lắng.
“Lúc nào em cũng thấy chưa đủ, nhất là khi thi thử điểm thấp. Em hoang mang không biết mình học sai chỗ nào hay có đi đúng hướng không. Gần đến kỳ thi, cảm giác mệt mỏi tăng lên, nhưng em không dám nghỉ vì sợ bị tụt lại phía sau” - Hà chia sẻ.
Không để áp lực trở thành gánh nặng tâm lý
Áp lực thi cử nếu không được giải tỏa kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo cô Nguyễn Thị Bình - giáo viên Trường Phổ thông trung học Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, căng thẳng kéo dài khiến học sinh dễ rơi vào tình trạng kiệt sức, mất ngủ, mất động lực học, thu mình thậm chí rối loạn lo âu và trầm cảm.
Với nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm, cô Bình khuyên rằng: “Thay vì học nhồi nhét trong thời gian ngắn, học sinh nên xây dựng một kế hoạch học tập khoa học, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn, đồng thời dành đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Ngoài ra, các em cũng cần nhận diện và đối phó với căng thẳng, lo âu - những trạng thái tâm lý rất dễ xuất hiện trong giai đoạn nước rút. Một số phương pháp đơn giản như hít thở sâu, nghe nhạc thư giãn hay nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng có thể giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực”.
Cô Bình cũng nhấn mạnh vai trò đồng hành của cha mẹ trong giai đoạn thí sinh “vượt vũ môn”. Không chỉ quan tâm đến điểm số hay kết quả thi cử, phụ huynh nên cùng con khám phá những ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực, sở thích và thế mạnh của con.
Chia sẻ lời khuyên dành cho các sĩ tử trong mùa thi, PGS.TS Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc lựa chọn ngành nghề không chỉ dựa trên xu hướng hay lợi ích trước mắt, mà cần có tầm nhìn dài hạn.
“Hãy tự hỏi bản thân trong 10-20 năm tới, mình muốn trở thành ai, đóng vai trò gì trong xã hội. Từ đó, nhìn nhận lại năng lực, thế mạnh và sở thích của bản thân để xác định con đường phù hợp. Khi định hướng được tương lai đường dài, chúng ta sẽ chọn được ngành nghề phù hợp, bền vững với chính mình” - PGS.TS Đăng chia sẻ.
Đọc bài gốc tại đây.