Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ HN lên tiếng về "khủng hoảng" bộ máy tổ chức

26/04 21:01
 

Như Báo Lao Động đã phản ánh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có nhiều "lùm xùm", trong đó có việc trây ỳ không thành lập...

Như Báo Lao Động đã phản ánh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có nhiều "lùm xùm", trong đó có việc trây ỳ không thành lập hội đồng trường, dùng chữ ký khắc sẵn của hiệu trưởng, cũng như khủng hoảng về bộ máy tổ chức, nội bộ.

Thừa nhận chậm thành lập hội đồng trường

Trả lời Báo Lao Động ngày 24.4, ông Nguyễn Mạnh Khang - Chánh Văn phòng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, nhà trường có chậm trễ trong việc thành lập hội đồng trường. Nguồn cơn của sự chậm trễ là do trường đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết.

Theo đó, ban đầu có 28 nhà giáo tâm huyết ở Hà Nội đã đứng ra, người góp tiền, người bỏ công sức, thành lập trường với mong muốn phát triển giáo dục nước nhà.

Đến năm 1994, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Quyết định công nhận Hội đồng sáng lập trường do Giáo sư Trần Phương làm Chủ tịch.

Năm 1996, trường bắt đầu đi vào hoạt động, tuyển sinh những khóa sinh viên đầu tiên và khoảng 1 năm sau, trong quá trình giải phóng mặt bằng, GS Trần Phương có ý tưởng huy động tiền để thực hiện một số công việc.

Một số người đã đóng tiền và được cấp 1 phiếu gọi là cổ đông. Là cổ đông, nhưng bản chất, mỗi người chỉ có 1 phiếu biểu quyết, quyền lợi là duy trì vốn vay, không có việc ăn chia cổ tức.

Ông Khang cho rằng, những người này chỉ góp một phần rất nhỏ so với tài chính của trường hiện tại và họ đánh đồng, cho rằng họ là cổ đông thành lập trường.

"Ai là nhà đầu tư? Đây là vấn đề đang tranh cãi. Hiện nay, trường đang mời công ty kiểm toán độc lập để làm rõ ai là nhà đầu tư thực sự. Dự kiến hết năm nay (2024), trường sẽ phải giải quyết xong vấn đế này” - ông Nguyễn Mạnh Khang nhấn mạnh.

Trong văn bản của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gửi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 1625/CV-BGH do GS-TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ký ngày 19.4.2024) cũng giải trình về vấn đề này.

"Ngay sau khi có Quyết định 671/QĐ-TTg ngày 3.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi trường từ loại hình dân lập sang tư thục, trường đã triển khai các hoạt động.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, nhiều vấn đề phức tạp có nguy cơ làm mất ổn định hoạt động của trường. Một số cá nhân muốn từ bỏ tôn chỉ mục đích của những người sáng lập trường: “Trường là tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ vì sự nghiệp trồng người, không vì mục đích lợi nhuận" - công văn của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nêu rõ.

Lý giải về cách điều hành của hiệu trưởng

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng thừa nhận, vài năm gần đây, do điều kiện sức khỏe và tuổi cao, ít có điều kiện trực tiếp đến trường, GS Trần Phương - người hiện giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường chỉ trực tiếp quyết định những công việc quan trọng trên cơ sở hồ sơ, báo cáo.

Để thực hiện việc này, văn phòng trường đã cử một cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển hồ sơ, báo cáo giữa nhà trường với hiệu trưởng.

Đồng thời, GS Trần Phương đã chỉ định một trợ lý để quản lý văn phòng riêng, kiêm thư ký liên lạc và theo ông Khang, người được GS Trần Phương chỉ định chính là cô Uyên - con gái ông Phương.

Vị trợ lý này trực tiếp giúp hiệu trưởng tiếp nhận hồ sơ, báo cáo công việc và truyền tải chỉ đạo bằng văn bản của giáo sư tới các phó hiệu trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, GS Trần Phương cũng ký ủy quyền cho hai cá nhân (luật sư) thay mặt và nhân danh giáo sư tham dự các cuộc họp của trường và các phòng ban thuộc trường, để tổng hợp tình hình, báo cáo GS.

Trong khi đó, theo xác nhận của nhiều nhà đầu tư, sức khoẻ GS Trần Phương hiện nay (gần 100 tuổi), không đủ để điều hành trường.

Xét theo điều lệ trường đại học mà Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành năm 2014, độ tuổi của hiệu trưởng trường đại học tư thục không được quá 75 tuổi đối với nam và 70 tuổi với nữ.

Chữ ký khắc sẵn của Hiệu trưởng được sử dụng từ năm 2017

Trong buổi làm việc với Lao Động, Chánh văn phòng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội liên tục khẳng định, việc sử dụng dấu, chữ kí của GS Trần Phương được thực hiện theo quy chế của trường.

Theo đó, Phó hiệu trưởng thường trực, tài chính chỉ được kí chứng từ dưới 100 triệu đồng, chi cho hoạt động duy trì hằng ngày. Còn các việc lớn hơn như dự án đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... GS Trần Phương sẽ là người kí hoặc phê duyệt.

Vị này cho biết thêm, vì lí do sức khoẻ, từ năm 2017 đến nay, GS Trần Phương đều sử dụng chữ kí khắc gỗ thay vì kí tươi.

Để làm rõ thông tin quyền và trách nhiệm của cổ đông sau khi đóng tiền ra sao, cũng như việc sử dụng chữ kí khắc dấu của hiệu trưởng, phóng viên đề nghị Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cung cấp văn bản về quy chế hoạt động (trong đó có quy định về cổ đông), quy chế sử dụng chữ ký khắc dấu.

Tuy nhiên, ông Khang cho biết, các văn bản không phải là tài liệu mật nhưng vẫn phải xin ý kiến nhà trường mới có thể cung cấp cho phóng viên.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục theo dõi thông tin và phản ánh tới bạn đọc vụ việc thời gian tới.

Trao đổi với Lao Động về pháp lý của vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tình - Phó Trưởng Văn phòng luật sư Tinh hoa Việt - cho biết, đối với các vụ việc cụ thể, cần có cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ.

Về quy định chung của pháp luật, Luật Kế toán quy định về việc cấm sử dụng chữ ký khắc sẵn.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 19 Luật Kế toán 2015 quy định về ký chứng từ kế toán như sau:

Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.

Như vậy, theo quy định, không được đóng dấu chữ ký khắc sẵn trên chứng từ kế toán, nghĩa là việc ký chứng từ kế toán bằng con dấu khắc sẵn là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Điểm d Điều 8 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định về Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn.

Đọc bài gốc tại đây.