Đồng hành cùng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

17/04 21:47
 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi động và xây dựng, ra mắt “Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn”.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi động và xây dựng, ra mắt “Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn”.

Tại Ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, 16 sinh viên con em đồng bào dân tộc trở thành những người đầu tiên được nhận học bổng từ quỹ này. Các em được nhận học bổng 1,5 triệu đồng/tháng và khoản tiền này sẽ kéo dài đến khi các em tốt nghiệp ra trường.

Ngay sau Lễ ra mắt Quỹ đồng hành với học sinh sinh viên vùng khó khăn và trao tặng học bổng, GS Nguyễn Văn Minh sẽ đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi công văn về các địa phương của 16 em sinh viên đề xuất mong muốn việc tiếp nhận, tạo điều kiện để các em có thể quay về công tác, cống hiến trên mảnh đất quê hương.

GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có lời chia sẻ với sinh viên, nhưng dưới cương vị người từng trải qua một quãng đời đầy chông gai để trưởng thành.

"Hồi tiểu học, thời điểm đó, đất nước còn chiến tranh, thầy còn không nhớ đã học bao nhiêu trường vì theo gia đình chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Khi đất nước thống nhất, thầy trở về quê nội, thầy lạc lõng giữa bạn bè bởi vì ở đó mọi người đã quen nhau hết từ trước. Thầy mất gần 1 năm mới có thể vượt qua và làm bạn với tất cả mọi người bằng cách cố gắng học tập và tạo những mối quan hệ để có thể hòa nhập với tất cả mọi người" - GS Minh kể lại.

Khi học hết THCS, thầy khao khát đi học và từng đi bộ 22km để đến trường nhưng sau đó đã đầu hàng trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, gạo không đủ ăn, không có phương tiện di chuyển,...

"Bỏ học được hơn 1 tháng, trở về nhà, tôi cảm giác bơ vơ, thèm khát đi học lại. Tôi cứ nghĩ nhà trường sẽ đuổi mình nhưng thầy cô không đuổi và còn hướng dẫn cho học. Nếu không có các thầy cô yêu thương, chắc tôi không được đi học. Đó chính là lý do về sau tôi quyết định theo đuổi ngành sư phạm, làm thầy” - GS Minh trải lòng và cho rằng, những ngày tháng khó khăn bậc phổ thông đã giúp ông trưởng thành.

"Thầy chia sẻ với các em để nói rằng con người trong mỗi hoàn cảnh phải có ý chí, phải dám vươn lên thì không có gì là không thể. Nhiều sinh viên đến từ các bản làng rất xa xôi, hẻo lánh với điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng các em đã làm được những điều “tưởng chừng như không thể” để có mặt ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Con người có thể vượt qua được nghịch cảnh nếu chúng ta quyết tâm” - GS Minh nhắn nhủ tới học trò.

Theo ông Minh, việc xây dựng “Quỹ đồng hành cùng học sinh, sinh viên vùng khó khăn” như một cách để nhà trường, thầy cô, bạn bè và xã hội tiếp thêm nghị lực, năng lượng để các sinh viên nhà trường có cơ hội đến và mang về quê hương những giá trị tốt đẹp.

Đồng hành cùng quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Ninh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam hy vọng, sự đồng hành này sẽ giúp các bạn có thêm một phần kinh phí trang trải cuộc sống. Từ đó, các bạn sẽ có thêm động lực cố gắng trong học tập, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

"Hàng năm chúng tôi còn thực hiện kế hoạch tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số và thư viện các trường nội trú trên cả nước theo Chương trình “Hành trình trao sách – Chắp cánh ước mơ”; dành hàng chục tỉ đồng để thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ các quỹ vì người nghèo, vì biển đảo Việt Nam…" - ông Ninh chia sẻ.

Em Xồng Vi Va, dân tộc Mông, sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số 16 sinh viên được nhận học bổng. Sinh ra và lớn lên ở bản làng xã nghèo Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hơn ai Vi Va hiểu những khó khăn của các em nhỏ ở quê hương mình.

"Chúng em nung nấu ước mơ sau khi tốt nghiệp, sẽ quay về quê hương với mong muốn trở thành những giáo viên chính thức đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa” - nữ sinh nói.

Đọc bài gốc tại đây.