Cẩm nang du lịch chùa Bái Đính

19/01 00:09
 

Chùa Bái Đính là điểm đến tâm linh thu hút khách ở miền Bắc dịp đầu năm, có nhiều kỷ lục Việt Nam và châu Á.

Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ở phía tây di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, phía bắc di sản thế giới Tràng An.

Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây dựng từ năm 2003. Tổng diện tích 539 ha, trong đó chùa Bái Đính cổ rộng 27 ha, khu vực xây mới 80 ha.

Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng, hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Quần thể chùa có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam.

Di chuyển

Chùa Bái Đính cách thành phố Hoa Lư (Ninh Bình) 15 km và cách Hà Nội 95 km. Từ Hà Nội, du khách di chuyển thuận tiện bằng ôtô theo cao tốc CT01. Thời gian di chuyển khoảng một tiếng 30 phút.

Nếu đi xe máy, du khách di chuyển theo quốc lộ 1A, sau đó rẽ vào quốc lộ 21C.

Với xe khách, du khách đón xe tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm ở Hà Nội. Điểm dừng ở trung tâm thành phố Ninh Bình hoặc bến xe Bái Đính. Giá vé dao động từ 60.000 đến 100.000 đồng một người một chiều, tùy loại xe và hãng xe.

Xe limousine đón tại Hà Nội và đến thẳng chùa Bái Đính. Giá vé 200.000 đồng một lượt.

Thời điểm

Mùng 6 tháng Giêng hàng năm là lễ hội chùa Bái Đính.

Nếu muốn tận hưởng không khí lễ hội, du khách đi chùa từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch. Đây cũng là lúc thời tiết ấm áp, lý tưởng cho những chuyến hành hương tại Bái Đính - Tràng An. Du khách có thể kết hợp du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu bình an và tham gia các lễ hội.

Lưu ý đây cũng là mùa du lịch lễ hội cao điểm nên khách tham quan rất đông, đôi lúc gây ra tình trạng quá tải, chen chúc.

Nếu muốn tận hưởng sự thanh tịnh, du khách tham quan chùa và du lịch Tràng An vào những khoảng thời gian khác trong năm.

Dịch vụ

Khu du lịch chùa Bái Đính mở cửa từ 6h tới 21h tất cả các ngày trong tuần. Chùa không thu vé vào cửa nhưng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ du khách như:

- Vé xe điện: 60.000 đồng một người khứ hồi (từ cổng chùa đến trung tâm khoảng 3,5 km)

- Vé tham quan bảo tháp: 50.000 đồng một người

- Vé hướng dẫn viên: 300.000 đồng một tour

Tham quan

Chùa Bái Đính cổ

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) hướng chính tây, gần đỉnh của một vùng rừng núi yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang sáng thờ Phật, và đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng, bên trái là đền thờ thánh Nguyễn và động tối thờ mẫu và tiên.

Năm 1977 chùa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia. Chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Đền thờ thánh Nguyễn

Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là thiền sư, pháp sư được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp nên dựng chùa thờ Phật và tạo một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn xây theo thế dựa núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Giếng Ngọc

Giếng Ngọc chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và cho Vua Lý Thần Tông. Giếng được xây lại hình mặt nguyệt, đường kính 30 m, độ sâu nước là 6 m, không bao giờ cạn. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, diện tích 6.000 m2, 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục chùa Bái Đính là ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam ngày 12/12/2007.

Hang động núi Bái Đính

Hang động nằm trên cao, du khách phải leo 300 bậc, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Động dài 25 m, rộng 15 m, cao trung bình 2 m, nền và trần của động bằng phẳng. Cuối hang là cửa hang sáng và rộng, dẫn tới một thung lũng và đền thờ thần Cao Sơn. Quay lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50 m là động tối. Động tối lớn hơn hang sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao và hang dưới sâu. Các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang trũng xuống như lòng chảo.

Động thờ Mẫu

Động còn có tên là hang Tối, thờ tam tòa Thánh Mẫu. Tại đây có 7 động nhỏ thông nhau. Giữa động có nhũ đá rủ xuống như cây cột, khi gõ vào phát ra những âm thanh như đàn đá. Trong động có "lối lên trời" và "đường xuống âm phủ". Phía trong động có một ao nhỏ, gọi là Ao Tiên. Đây cũng được coi là điểm "tụ phúc", vì ao được hình thành tự nhiên, nước từ nhũ đá nhỏ xuống quanh năm nên Ao Tiên không cạn nước.

Chùa Bái Đính mới

Năm 2003, chùa Bái Đính mới được xây dựng với hạng mục công trình chính: cổng Tam Quan, hành lang La Hán, tháp chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, Phật Di Lặc và Bảo Tháp.

Cổng Tam Quan

Tam quan gồm Không quan, Trung quan, Giả quan, cũng có nghĩa là ba cửa: cửa khổ, cửa vô thường, cửa vô ngã. Tam quan cao 16,5 m, rộng 13 m, dài 32 m, được xây dựng bằng gỗ, với khoảng 550 tấn gỗ tròn.

Phía trước tam quan, hai bên tả hữu có hai con sư tử bằng đá, là biểu hiện sức mạnh của trí tuệ. Vào Tam quan, bên phải là tượng thần Khuyến thiện, bên trái là tượng thần Trừng ác. Bên trên tam quan có hình tượng bánh xe luân hồi, được chạm thông phong, biểu tượng sự chuyển vần của Phật pháp, trời đất. Ở giữa là chữ Vạn, tượng trưng của ngọn lửa tam muội (lửa thiêng). Chữ Vạn còn tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi, quảng đại của đức Phật.

Hành lang La Hán (La Hán đường)

La Hán đường gồm hai dãy, mỗi dãy 117 gian, dài 526 m. Mỗi bên hành lang có 500 pho tượng La Hán, bằng đá đá, do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư) chế tác. Hai bên trên con đường này có nhiều cây mít. Trong đạo Phật, mít là Paramita. Âm Hán Việt là Ba la mật đa, nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ giác ngộ). Vì thế, cây mít là cây thiêng, gắn với Phật đạo (gỗ mít dùng làm mõ chùa, tượng Phật, lá mít dùng đặt oản lễ Phật).

Tháp chuông chùa Bái Đính

Gác chuông có kiến trúc hình bát giác, ba tầng mái cong, chiều cao 18,25 m, đường kính 17 m, mang dáng dấp của bông sen. Gác chuông có một lối lên và một lối xuống. Quả chuông đồng bên trong gác chuông nặng 36 tấn, do các nghệ nhân ở Huế đúc. Chuông được Sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là quả chuông bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát

Điện Quan Âm là đại diện cho tứ đại vô lượng tâm: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả nên phật Quan Âm cũng tượng trưng cho sự từ bi, cứu khổ, cứu nạn.

Điện Quan Âm hoàn toàn bằng gỗ, với khoảng 900 m3 gỗ tròn. Điện gồm 7 gian, cao 14,8 m, rộng 16,8 m, dài 40,4 m. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 5,4 m, nếu tính cả bệ tượng là 9,57 m, nặng 80 tấn (khoảng 100 tấn nếu tính bệ tượng). Hai bên tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay còn có tượng Quan thế âm Đại Thế Trí Bồ tát. Hai tượng đều được làm bằng gỗ, mỗi tượng cao 10 m và nặng 4 tấn.

Điện Pháp chủ

Điện Pháp chủ được xây hai tầng 8 mái, gồm 5 gian, cao 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3 m, tổng diện tích hơn 1.940 m2. Tượng Pháp chủ cao 10 m, nặng 100 tấn, do các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ý Yên thực hiện.

Bên phải điện là tượng ngài Anam bằng đồng cao 7,2 m nặng 30 tấn, là một trong những đệ tử của Phật có tố chất thông minh và sáng dạ. Bên trái là tượng Ca diếp cao 7,2 m nặng 30 tấn, là đầu đà tu hành đi khất thực nên được xưng là "Đệ Nhất Đầu Đà". Hai bên điện đặt tượng Bát bộ Kim cương. Các vị này có nhiệm vụ bảo vệ phật pháp ở vòng ngoài. Trước cửa điện là hồ phóng sinh, diện tích khoảng 5.000 m2. Xung quanh hồ trồng nhiều cây bồ đề.

Điện Tham Thế

Điện Tam thế được xây dựng ba tầng mái, 7 gian, 2 chái, với 66 cột lớn nhỏ đúc bê tông, ốp gỗ. Phật điện cao 34 m, dài 59,10 m, rộng 40,50 m, diện tích lòng 2.360 m2. Phù điêu đá (trước thềm tòa Tam thế) chạm khắc tứ linh: long, ly, quy, phượng.

Trong điện có bộ 3 tượng đồng do các nghệ nhân đúc đồng ở Ý Yên (Nam Định) chế tác. Tam thế có nghĩa là quá khứ, hiện tại, tương lai. Ý nghĩa của bộ tượng này là các vị Phật của các thời luôn nối tiếp nhau để giáo hóa chúng sinh. Phật ngồi giữa là Hiện tại thế (Hiền kiếp), bên trái là Quá khứ thế (Trang nghiêm kiếp) và bên phải là Tương lai thế (Tinh tú kiếp).

Bảo Tháp

Tọa lạc ở phía tây điện Tam Thế, Bảo Tháp xá lợi Phật chùa Bái Đính nổi bật giữa hàng loạt công trình. Kết cấu của Bảo Tháp đậm nét văn hóa Việt Nam. Tháp có 13 tầng, cao 99 m, chân tháp là hình lục giác. Bao phủ toàn bộ Bảo Tháp là gạch nung Bát Tràng với hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Lý như mây bay, sóng nước, cánh sen. Xung quanh 6 cạnh là những tượng Phật nhỏ bằng đá được đặt hài hòa từ chân lên đến ngọn Tháp, tạo thêm điểm nhấn đặc biệt cho nơi đây.

Trung tâm tầng 1 của Bảo Tháp là tượng Thích ca mâu ni bằng đồng dát vàng, được đặt trên bệ đá xanh chạm khắc rồng, hoa sen và các linh vật một cách rất tinh xảo. Sáu mặt tường là các bức phù điêu miêu tả chân thực cuộc đời của Đức Phật kể từ khi sinh ra đến khi tu hành chính đạo. Trần Bảo Tháp được thiết kế theo phong cách Ấn Độ, chạm khắc hình ảnh Đức Phật.

Lưu trú

Nếu đến Ninh Bình nhiều ngày, hoặc dành nhiều thời gian chiêm bái chùa Bái Đính, du khách nên lưu lại qua đêm ở khu vực này.

Khách xá Bái Đính

Khách xá Bái Đính tọa lạc trong khuôn viên chùa, được xây dựng với kiến trúc cổ và sang trọng, mang đậm nét Á Đông. Nằm giữa không gian yên tĩnh hùng vĩ của thiên nhiên, khách xá là nơi lý tưởng cho khách du lịch thập phương nghỉ dưỡng, hội họp và tham quan khi chiêm bái chùa Bái Đính.

Homestay gần chùa

Ngoài khách xá Bái Đính, du khách có thể chọn ở trong một số homestay ngay gần Tràng An hoặc trung tâm thành phố Ninh Bình. Địa chỉ gợi ý: Bai Dinh Garden resort & spa, Ninh Binh Palm homestay, Ninh Binh Family homestay, Bai Dinh hotel, Tràng An - Bái Đính resort.

Du khách có thể đặt phòng ở khách xá Bái Đính hay các homestay, khách sạn xung quanh trên các nền tảng đặt phòng.

Ăn uống

Bên trong chùa có nhà hàng Cát Tường với kiến trúc kết hợp giữa hai phong cách Á Đông cổ điển và đồ Âu hiện đại. Không gian mở, có thể ngắm cảnh của núi rừng Bái Đính. Nhà phục vụ cả đồ chay, đặc sản địa phương và nhiều món Á - Âu khác.

Khu vực nhà ăn ở dưới điện Tam Thế với dãy bàn ở giữa, xung quanh là các quầy bán đồ ăn, thức uống, cũng phục vụ đồ ăn nhanh tại chỗ.

Quanh khu vực chùa Bái Đính có nhiều món đặc sản du khách không nên bỏ qua như cơm cháy, thịt dê, miến lươn, ốc núi, cùng nhiều món quen thuộc như lẩu, các món nướng. Một số địa chỉ gợi ý: nhà hàng Thăng Long, Thành Long, Hoa Kỳ, Vua dê Ninh Bình, khách sạn và nhà hàng hồ Núi Đính.

Lưu ý

Khi đến tham quan, vãn cảnh chùa, du khách lưu ý mặc trang phục kín đáo, lịch sự, không thắp hương quá nhiều, bỏ rác đúng nơi quy định.

Nên mang theo tiền lẻ khi đi lễ nếu du khách muốn làm công đức hay quyên góp cho chùa. Tránh bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan, nên cho vào các hòm công đức.

Lễ chùa quan trọng là thành tâm và các hành động làm thiện thực tế trong cuộc sống, nên đồ lễ chùa gọn gàng, không phô trương, và đặc biệt chú ý đồ lễ thuần chay.

Dịp đầu năm khi đông người hành hương, du khách nên chủ động bảo quản tài sản cá nhân, tránh thất lạc đồ đạc.

Đọc bài gốc tại đây.