Sở hữu chỉ số EQ cao không chỉ giúp cải thiện chất lượng giao tiếp, được mọi người quý mến, mà còn giúp bản thân thăng tiến trong công việc.
Hai chuyên gia tâm lý người Mỹ, Kathy Petras và Ross Petras, đồng tác giả cuốn sách "Awkword Moments: A Guide to the 100 Terms Smart People Should Know" cho rằng, 90% yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà lãnh đạo là EQ, đặc biệt nó có thể thay đổi theo thời gian với nỗ lực của bản thân.
Dưới đây là 13 cụm từ người EQ cao thường sử dụng hàng ngày, theo Kathy Petras và Ross Petras.
"Bạn có thể cho tôi biết thêm về điều đó không?"
Những người thiếu khả năng tự nhận thức chỉ quan tâm đến suy nghĩ và ý kiến của riêng họ. Song những người thông minh về mặt cảm xúc lại đề cao cảm giác của người khác và những gì họ nói.
Đây là cách giao tiếp người EQ cao thường sử dụng nhằm khuyến khích mọi người thể hiện về cảm xúc, đồng thời sử dụng phản hồi của đối phương như một cơ hội học tập.
"Tôi nghe bạn''
Những người EQ cao có ý thức xã hội mạnh mẽ và luôn nỗ lực để hiểu được cảm xúc của người xung quanh.
Việc ghi nhận sự chăm chỉ cống hiến của đối phương cho thấy họ thực sự coi trọng những đóng góp của người khác. Đây là cách thức giao tiếp đáng hoan nghênh, thúc đẩy môi trường học tập, làm việc tích cực.
"Tôi hiểu những gì bạn nói, nhưng..."
Cụm từ này có thể giúp bạn giải quyết những rắc rối về mặt ngoại giao bằng cách thừa nhận các quan điểm khác nhau, riêng biệt của mỗi cá nhân. Khi bạn đã khuyến khích mọi người chia sẻ mối quan tâm của họ, bạn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề tiềm ẩn hơn.
Các nghiên cứu cho thấy khả năng giải quyết xung đột là đặc điểm của người có trí tuệ cảm xúc cao.
"Bạn cảm thấy thế nào về điều đó?"
Để mọi người cảm thấy được thừa nhận và tôn trọng, người EQ cao thường chú ý và dành thời gian để hiểu và cảm thông với đối phương. Họ luôn tạo cơ hội để đối phương bày tỏ quan điểm của mình cũng như lắng nghe ý kiến. Sau đó sẽ tìm cách cân bằng và đưa ra phương án cuối cùng hài hòa được lợi ích cả hai bên.
Những người có EQ cao sẽ không bỏ qua một vấn đề mà họ có thể giải quyết chỉ vì nó nằm ngoài nhiệm vụ được giao.
"Tôi không chắc về điều gì đang diễn ra, bạn có thể giải thích giúp tôi không?"
Khi đối phương gặp vấn đề, thay vì phản ứng tiêu cực, người EQ cao lại mời họ chia sẻ suy nghĩ bằng những cách diễn đạt như "Bạn có thể làm rõ điều đó cho tôi được không?" hoặc "Những gì tôi nghe được từ bạn là đúng không?".
Trong cuộc sống, bạn sẽ không thể biết được lời buộc tội ngẫu nhiên của mình có thể gây hại cho người khác. Bởi vậy người EQ cao luôn thận trọng lời ăn tiếng nói, có thể đánh giá đúng và định vị được cảm xúc của mọi người.
"Ý bạn là gì?''
Trong cuộc tranh luận, khi đối phương cảm thấy bị ép buộc bởi những quan điểm bạn đưa ra, họ sẽ tự động dựng lên hàng rào ngăn cách. Đây là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực thuyết phục của bạn trở nên vô ích.
Với người EQ cao, họ luôn tạo cơ hội để đối phương bày tỏ quan điểm của mình cũng như lắng nghe ý kiến. Sau đó, họ sẽ tìm cách cân bằng và đưa ra phương án cuối cùng hài hòa được lợi ích của cả hai bên.
"Bạn làm tốt lắm!'
Khen ngợi người khác không phải là xu nịnh, mà là xoa dịu những khó khăn, công nhận những nỗ lực của họ bằng chính sự lương thiện của mình. Đây là tâm thế của người EQ cao khi biết nghĩ cho người khác, thấu hiểu sự vất vả và cho đi của đối phương.
"Cả hai bạn đều có những điểm tốt. Hãy xem chúng ta có thể hợp tác như thế nào"
Cụm từ này giúp bạn xử lý các vấn đề một cách khéo léo bằng cách thừa nhận các quan điểm khác nhau. Khi bạn đã khuyến khích mọi người chia sẻ mối quan tâm của họ, bạn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề tiềm ẩn hơn. Khả năng giải quyết xung đột là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc cao.
"Tôi muốn nghe ý kiến đóng góp của bạn về việc này"
Cụm từ này, và các cụm từ tương tự "Tôi có thể xin lời khuyên từ bạn không?" hoặc "Bạn có phiền nếu tôi xin ý kiến không?", cho phép người khác cảm thấy tự hào về bản thân họ và có ấn tượng tích cực về bạn.
"Điều này khiến tôi lo lắng/ bối rối/ khó chịu"
Thay vì đổ lỗi cho người gây ra vấn đề, người EQ cao sẽ thể hiện cảm nhận của bản thân về những gì đã xảy ra. Cách làm này tránh tạo cảm giác bạn đang ngầm phản kháng hoặc đối kháng trực tiếp, tránh căng thẳng trong tập thể.
"Tôi cảm thấy thế này..."
Nhận thức về cảm xúc của bản thân cho phép người EQ cao sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và ấn tượng của mình với người khác, giúp đối phương cảm thấy gần gũi hơn và khuyến khích họ làm điều tương tự.
"Tôi xin lỗi"
Sự khiêm tốn là điều vô cùng phổ biến ở những người có trí tuệ cảm xúc cao. Đừng ngại nói "Tôi xin lỗi". Khi bạn phạm sai lầm, hãy thừa nhận và thành thật xin lỗi người xứng đáng nhận được điều đó.
"Cảm ơn bạn!"
Ngay từ bé, bạn đã được dạy những câu cửa miệng "Làm ơn", "Cảm ơn" và "Không có gì" khi giao tiếp với mọi người. Theo các nghiên cứu, phép lịch sự thông thường ngày nay không còn phổ biến nữa. Lịch sự không chỉ là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc cao mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng với người khác.
Trang Vy (Theo CNBC)
Đọc bài gốc tại đây.