4 cách kết hợp táo đỏ gây hại cho cơ thể

02/02 12:00
 

Táo đỏ tốt cho sức khỏe nhưng nếu kết hợp với tỏi tây, thịt bò, cua hay vừng dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng quá trình hấp thụ dinh dưỡng.

Táo đỏ hiện là thực phẩm rất được ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, lại có lợi ích như thuốc. Táo đỏ có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết, an thần, được coi như "tiểu nhân sâm". Tuy nhiên, bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có đặc điểm và điều cấm kỵ, táo đỏ cũng không ngoại lệ. Nếu không kết hợp đúng cách, chúng có thể gây hại cho cơ thể. Dưới đây là 4 thực phẩm không nên ăn cùng táo đỏ để tránh rước bệnh vào người.

Táo đỏ và tỏi tây: gây hại cho dạ dày và ruột

Táo đỏ có vị ngọt và ấm, trong khi tỏi tây có vị cay và nóng. Theo lý luận y học cổ truyền, ăn cả hai thứ này cùng nhau dễ dẫn đến tình trạng nóng trong người, đặc biệt với những người dễ nổi nóng thì đây không thể nghi ngờ là hành động "thêm dầu vào lửa". Các triệu chứng phổ biến bao gồm khô miệng, đau họng và thậm chí có thể gây táo bón hoặc khó chịu đường tiêu hóa. Vì vậy, bạn không nên ăn táo đỏ với tỏi tây để tránh gây tổn thương dạ dày và ruột.

Táo đỏ và cua: xung đột nhiệt lạnh, cơ thể đau yếu

Cua có tính lạnh, trong khi táo tàu có tính ấm, cả hai có tính chất khác nhau. Nếu ăn cùng, tính lạnh của cua có thể ức chế tác dụng làm ấm và bổ của táo tàu, thậm chí có thể dẫn đến mất cân bằng nhiệt trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau bụng và tiêu chảy. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, kết hợp thực phẩm hài hòa giữa lạnh và nóng sẽ tránh làm tổn thương tỳ vị. Vì vậy, khi thưởng thức cua, tốt nhất bạn nên tạm thời không ăn táo đỏ để tránh gây hại cho cơ thể.

Táo đỏ và vừng: bù đắp dinh dưỡng không phù hợp

Táo đỏ giàu vitamin C, trong khi hạt vừng giàu dầu và protein. Mặc dù cả hai đều là thành phần dinh dưỡng nhưng nếu tiêu thụ cùng lúc, vitamin C có thể phản ứng với một số thành phần trong vừng, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và sử dụng chất dinh dưỡng.

Y học cổ truyền Trung Quốc nhấn mạnh thuốc và thực phẩm có cùng nguồn gốc, cần phải kết hợp hợp lý, nghĩa là khi thưởng thức món ăn ngon, chúng ta phải chú ý đến sự cân bằng và bổ sung dinh dưỡng. Vì vậy, để tránh mất cân bằng dinh dưỡng, khuyến cáo không nên ăn táo đỏ và vừng cùng lúc.

Táo đỏ và thịt bò: nhiều dầu mỡ và khó tiêu, ảnh hưởng đến tiêu hóa

Táo đỏ có tác dụng bổ tỳ, bổ vị, bổ máu, tăng tiết nước bọt, trong khi thịt bò là thực phẩm giàu protein, nhiều chất béo. Tuy cả hai đều có tác dụng nuôi dưỡng, nhưng nếu kết hợp chúng có thể làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và gây khó tiêu.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cần có sự phối hợp hoạt động của tỳ và dạ dày, nếu ăn quá nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển và chuyển hóa của tỳ và dạ dày. Vì vậy, khi ăn táo đỏ tốt nhất không nên ăn chung với thịt bò để tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Những điều kiêng kỵ khác khi ăn táo đỏ

Không nên ăn quá nhiều: Mặc dù táo đỏ rất giàu chất dinh dưỡng nhưng nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến các vấn đề như dư axit dạ dày và đầy hơi. Đặc biệt vỏ táo đỏ rất khó tiêu nên bạn phải nhai thật chậm.

Bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng khi ăn: Táo đỏ chứa hàm lượng đường cao, có thể khiến lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường tăng cao và làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Người bị đờm thấp không nên ăn: Đàm thấp là tình trạng xảy ra do rối loạn trao đổi chất, có hai loại vô hình (chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, rêu lưỡi nhớp) và hữu hình (ho khạc ra đờm). Táo đỏ có tính nóng ẩm, dễ sinh ra đờm thấp, do đó người bị đờm thấp ăn vào có thể khiến bệnh nặng thêm.

Tránh ăn cùng thuốc: Một số thành phần trong táo đỏ có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và chuyển hóa của thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc cảm, thuốc tiêu hóa, thuốc thông khí huyết. Vì vậy, tốt nhất là tránh ăn táo đỏ khi đang dùng thuốc.

Hướng Dương (Theo Aboluowang)

Đọc bài gốc tại đây.