5 chữ cái giúp thiết lập mục tiêu trong năm mới

05/01 14:00
 

Năm mới đến, nhiều người bắt đầu suy nghĩ về cách cải thiện cuộc sống bản thân.

Có thể họ quyết tâm đến phòng tập nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn hay đọc nhiều cuốn sách hoặc du lịch đến một vùng đất mới.

"Việc đặt mục tiêu cho năm mới dường như là bản năng thứ hai của một số người", Ron Borland, giáo sư tâm lý học chuyên ngành hành vi sức khỏe tại Đại học Deakin, Australia nói.

Theo nghiên cứu từ trang web Finder, 74% người Australia đưa ra quyết tâm cho năm mới 2025 vào những ngày đầu năm. Mục tiêu phổ biến đều liên quan tới sức khỏe với 39% muốn cải thiện chế độ ăn uống và lựa chọn thực phẩm lành mạnh; 37% muốn cải thiện thể lực, trong đó 33% hy vọng giảm cân.

Ngoài ra 17% muốn ngủ nhiều hơn trong khi 20% người được khảo sát quyết tâm đi du lịch nước ngoài. Chỉ có 26% không tin vào những mục tiêu này.

Ron Borland cảnh báo không nên tùy tiện đưa ra mục tiêu cho năm mới. "Bởi chúng sẽ rất tệ nếu thất bại, trừ khi bạn có một kế hoạch rõ ràng và sẵn sàng thực hiện theo", ông nói.

Các nghiên cứu của Ron Borland cho thấy, 88% những người đặt mục tiêu cho năm mới đều thất bại trong hai tuần đầu tiên. Đại học Scranton tại Mỹ cũng chỉ ra, chỉ có 8% số người đạt được mục tiêu đặt ra trong năm mới. Điều này đồng nghĩa mặc dù họ có ý định tốt khi bước vào năm mới, nhưng rồi lại tự chuốc lấy thất bại.

"Tác động tiêu cực nhất là khi quyết tâm làm điều gì đó nhưng rồi không thành công, tinh thần sẽ xuống dốc rất nhanh", Borland nói.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là mọi mục tiêu không được lên kế hoạch kỹ lưỡng và không đúng thời điểm. Ví dụ trong ngày nghỉ lễ đầu năm, khi vẫn đang ngủ nướng trên giường nhưng bạn đột ngột đặt mục tiêu sẽ thức dậy vào 5h sáng ngay ngày hôm sau để chạy bộ.

Borland cho rằng, những mục tiêu bột phát và thiên về cảm xúc như vậy, thường không kéo dài được quá hai tuần.

Vị chuyên gia đã đưa ra hướng dẫn chung với tên gọi "SMART" giúp mọi người có thể theo đuổi mục tiêu trong năm mới của mình gồm: Specific (cụ thể); Measurable (có thể đo lường); Achievable (Có thể đạt được); Realistic (Thực tế) và Time-bound (Khung thời gian).

Cụ thể: Hãy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được, sau đó làm cho nó cụ thể, chi tiết hơn. Ví dụ, thay vì nói "phải ăn uống lành mạnh hơn", có thể đổi thành "phải đưa nhiều rau xanh hơn vào mỗi bữa ăn".

Có thể đo lường: "Biến" mọi mục tiêu có thể đo lường được. Ví dụ, nếu bạn cam kết chạy bốn lần một tuần nhưng chỉ chạy ba lần, bạn sẽ biết bản thân đang chệch hướng và có thể tự điều chỉnh.

Borland cho rằng sự rõ ràng này giúp mỗi người nhận ra chính xác khi nào bản thân đang đi đúng hướng và khi nào cần điều chỉnh lại.

Có thể đạt được: Đặt mục tiêu cao là điều tốt, nhưng cần đảm bảo mục tiêu của bản thân phải dựa trên hoàn cảnh thực tế.

Borland đưa ví dụ, nếu bạn đang sống nhờ mì ăn liền suốt 6 tháng, thì việc nấu những bữa ăn ngon mỗi tối có thể quá sức. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng mục tiêu tự nấu bữa tối mỗi tuần. "Mục tiêu này dễ thực hiện hơn và giúp tỷ lệ thành công cao hơn", Borland nói.

Thực tế: Hãy cân nhắc xem mục tiêu của bạn có phù hợp với lối sống hiện tại hay không. Ví dụ nếu bạn chưa bao giờ dậy sớm thì việc mong đợi đột nhiên thức dậy lúc 5h sáng mỗi ngày có thể không hiệu quả.

"Bạn cần suy nghĩ lại điều gì thực sự khả thi với mình và liệu có cần xây dựng mục tiêu đó hay phải thừa nhận nó phi thực tế". Borland nhấn mạnh: "Hãy chọn điều gì đó thực tế mà bạn có thể đạt được".

Khung thời gian: Đặt ra thời hạn hoặc khung thời gian rõ ràng để đạt được mục tiêu của bản thân. Thay vì nói mơ hồ rằng trong năm mới bạn sẽ "khỏe mạnh hơn", hãy nêu rõ quyết tâm sẽ chạy 5 km mỗi sáng trong tháng Một. Việc đưa ra mốc thời gian cho quyết tâm của mình sẽ tăng thêm tính cấp bách và giúp bản thân theo dõi tiến trình tốt hơn.

Theo Borland, xây dựng mục tiêu bằng cách trên sẽ biến những ý tưởng mơ hồ thành kế hoạch rõ ràng, khả thi, khiến tỷ lệ thành công tăng cao.

Trang Vy (Theo sbs.com)

Đọc bài gốc tại đây.