5 điều nên làm khi đi bộ sau bữa ăn

18/01 19:00
 

Nghỉ khoảng 15 phút, bước đi nhẹ nhàng và thư giãn, kết hợp bài tập tay đơn giản, tập trung hít thở sâu và tương tác xã hội khi đi bộ sau bữa ăn sẽ giúp bạn có sức khỏe, năng lượng tốt hơn.

Đi bộ sau bữa ăn là một thói quen đơn giản nhưng mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Nó có thể cải thiện tiêu hóa, tăng cường mức năng lượng và giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nhưng không phải mọi chuyến đi bộ sau bữa ăn đều có hiệu quả như nhau. Để tận dụng tối đa lợi ích của việc đi bộ, điều quan trọng là phải tuân theo một số phương pháp nhất định giúp cải thiện đáng kể lợi ích và đảm bảo thực hiện đúng cách. Dưới đây là 5 lời khuyên thiết yếu cần ghi nhớ khi đi bộ sau bữa ăn để có sức khỏe tốt hơn và năng lượng bền vững.

Chờ 10-15 phút trước khi đi bộ

Mặc dù đi bộ ngay sau bữa ăn có vẻ là một ý tưởng hay, cho cơ thể 10-15 phút nghỉ ngơi sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Khoảng nghỉ ngơi ngắn này cho phép dạ dày bắt đầu quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ khó chịu hoặc chuột rút khi đi bộ. Hãy tận dụng thời gian này để thư giãn và nhâm nhi một cốc nước để đảm bảo đủ nước cho cơ thể.

Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011, mọi người được khuyên nên nghỉ ngơi sau bữa ăn và bắt đầu đi bộ sau 30-60 phút. Đây có thể là lời khuyên phù hợp với những người cảm thấy không khỏe khi bắt đầu đi bộ ngay sau bữa ăn, tuy nhiên một số người không cần phải thư giãn sau bữa ăn vì họ không có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào.

Giữ cho các bước đi nhẹ nhàng và thư giãn

Đi bộ sau bữa ăn nên chậm và đều, tránh tập luyện cường độ cao. Đặt mục tiêu ở tốc độ mà bạn có thể dễ dàng trò chuyện. Đi bộ nhanh sau khi ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa bằng cách chuyển hướng dòng máu ra khỏi dạ dày. Đi bộ thư giãn giúp kích thích tiêu hóa, điều chỉnh lượng đường trong máu và làm dịu cơ thể.

Kết hợp các bài tập tay đơn giản

Hãy làm cho việc đi bộ sau bữa ăn trở nên hào hứng hơn bằng cách kết hợp các bài tập tay nhẹ nhàng. Các bài tập này giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sự dẻo dai và giúp phần thân trên của bạn luôn năng động. Một số ví dụ bao gồm:

- Duỗi ngón tay: Mở và nắm tay từ từ, lặp lại 10 lần.

- Xoay cổ tay: Xoay cổ tay theo vòng tròn, theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, trong vài giây.

- Vung tay: Vung tay nhẹ nhàng qua lại để tăng cường khả năng vận động của vai.

- Chạm ngón tay cái: Chạm ngón tay cái vào từng đầu ngón tay để phối hợp tốt hơn.

Những động tác đơn giản này giúp bạn đi bộ đa dạng hơn và giảm căng thẳng ở tay và cổ tay.

Tập trung vào việc hít thở sâu

Hãy khiến chuyến đi bộ của bạn có lợi hơn bằng cách tập hít thở sâu và chánh niệm. Hít thở chậm, sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Điều này làm tăng lưu lượng oxy và hỗ trợ tiêu hóa. Hãy chú ý đến môi trường xung quanh, chú ý đến quang cảnh, âm thanh, và sử dụng thời gian này để thư giãn tâm trí. Đi bộ chánh niệm có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng tổng thể.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc đi bộ trong khi thở sâu có thể làm tăng khả năng chịu đựng hoạt động thể chất của bệnh nhân suy tim, chủ yếu do nó cải thiện độ bão hòa oxy và tăng nhận thức nội tạng cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của một người.

Sử dụng thời gian đi bộ để tương tác xã hội

Chuyến đi bộ sẽ thú vị hơn nếu bạn biến nó thành một hoạt động xã hội hoặc suy ngẫm. Đi bộ cùng bạn bè hoặc thành viên gia đình và trò chuyện nhẹ nhàng. Nếu đi bộ một mình, hãy sử dụng thời gian này để biết ơn hoặc chánh niệm bằng cách suy ngẫm về ngày của mình hoặc trân trọng thiên nhiên. Tương tác xã hội và suy nghĩ tích cực giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, khiến việc đi bộ không chỉ là một hoạt động thể chất mà còn là trải nghiệm lành mạnh.

Hướng Dương (Theo Times of India)

Đọc bài gốc tại đây.