Những quan điểm cho rằng hạnh phúc đồng nghĩa hiểu mọi thứ, luôn theo đuổi đam mê... thực ra chỉ là lầm tưởng.
1. Hạnh phúc nghĩa là luôn tích cực
Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc là luôn cảm thấy vui vẻ, tích cực và không bao giờ để bất cứ điều gì khiến mình chán nản. Nhưng trên thực tế, ép buộc bản thân phải tích cực mọi lúc thực sự có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Việc phủ nhận những cảm xúc khó khăn không khiến chúng biến mất, mà chỉ là tạm thời chôn vùi chúng. Theo thời gian, sự tích tụ cảm xúc đó có thể dẫn đến căng thẳng, thất vọng và thậm chí kiệt sức.
Hạnh phúc thực sự không phải là phớt lờ sự tiêu cực mà chấp nhận toàn bộ các cung bậc cảm xúc và điều hướng chúng theo cách lành mạnh. Vì vậy, thay vì theo đuổi sự tích cực liên tục, hãy thử đón nhận bất cứ điều gì bạn đang cảm thấy trong khoảnh khắc đó.
Việc cho phép bản thân cảm thấy buồn bã, thất vọng hoặc tức giận khi chúng xuất hiện thực sự có thể dẫn đến hạnh phúc sâu sắc hơn về lâu dài.
2. Thành công sẽ khiến bạn hạnh phúc
Nhiều người cho rằng chỉ cần đạt được mục tiêu - kiếm được nhiều tiền hơn, xây dựng một doanh nghiệp thành công và đạt được tất cả các cột mốc - thì cuối cùng sẽ trở nên hạnh phúc. Và trong một thời gian, điều đó có vẻ hiệu quả. Mỗi thành tựu đều mang lại cho họ cảm giác phấn khích ngắn ngủi, một cảm giác thỏa mãn. Nhưng nó không bao giờ kéo dài, rồi họ sẽ lại tự nhủ: "Tôi sẽ hạnh phúc khi đạt đến cấp độ tiếp theo".
Bạn sẽ dần nhận ra hạnh phúc không đến từ thành công bên ngoài. Những thành tựu có thể mang lại cảm giác tuyệt vời trong khoảnh khắc, nhưng chúng không phải là nguồn thỏa mãn lâu dài.
Điều thực sự tạo nên sự khác biệt là học cách trân trọng hiện tại - tìm thấy niềm vui trong quá trình thay vì liên tục theo đuổi điều lớn lao tiếp theo. Bởi nếu hạnh phúc luôn gắn liền với một thành tựu nào đó trong tương lai, thì bạn sẽ không bao giờ thực sự đạt được.
3. Hạnh phúc là thứ bạn tìm thấy
Nhiều người nghĩ về hạnh phúc như một thứ gì đó ở ngoài kia để tìm kiếm, khám phá hoặc tình cờ gặp phải khi thời điểm thích hợp. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoàn cảnh chỉ chiếm khoảng 10% hạnh phúc chung của chúng ta. Phần còn lại đến từ tư duy, thói quen và cách chúng ta diễn giải thế giới xung quanh. Điều đó có nghĩa hạnh phúc không phải là thứ bạn tìm thấy, mà là thứ bạn tạo ra. Nó được xây dựng trong những khoảnh khắc nhỏ, trong cách bạn phản ứng với những thách thức và trong cách bạn chọn nhìn nhận cuộc sống của mình.
Chờ đợi hạnh phúc đến một ngày nào đó chỉ khiến nó xa tầm với. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn có thể vun đắp ngay bây giờ để tạo nên sự khác biệt.
4. Có được thứ bạn muốn sẽ dẫn đến hạnh phúc
Chúng ta thường tin rằng khi có được mối quan hệ hoàn hảo, công việc mơ ước hoặc lối sống lý tưởng, cuối cùng chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng Phật giáo dạy một điều rất khác: Sự ràng buộc là một trong những nguồn đau khổ lớn nhất.
Khi chúng ta gắn kết hạnh phúc của mình với những thứ bên ngoài, cho dù đó là tiền bạc, địa vị hay thậm chí tình yêu, chúng ta đang tự chuốc lấy thất vọng. Bởi không có gì tồn tại mãi mãi. Khi chúng ta ngừng theo đuổi hạnh phúc dưới hình thức phần thưởng bên ngoài, chúng ta tạo ra không gian cho cảm giác bình yên và mãn nguyện sâu sắc hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn chẳng cần có mục tiêu hay mong muốn, mà đồng nghĩa hạnh phúc thực sự đến từ bên trong, không phải từ những gì bạn đạt được hoặc có được.
5. Hạnh phúc nghĩa là bạn đã hiểu rõ mọi thứ
Nhiều người dễ lầm tưởng hạnh phúc tức là đã hiểu rõ mọi thứ, rằng họ đã mở khóa được một số bí mật cuộc sống mà phần còn lại của chúng ta vẫn đang cố gắng tìm ra. Nhưng sự thật là không ai hiểu rõ mọi thứ. Sự không chắc chắn, nghi ngờ và những khoảnh khắc đấu tranh là một phần của con người. Không có đích đến cuối cùng nào mà mọi thứ đột nhiên trở nên hoàn hảo và duy trì như thế mãi.
Điều thực sự mang lại cho bạn sự bình yên, hạnh phúc là chấp nhận rằng bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được. Hạnh phúc không phải là có tất cả các câu trả lời; mà là chấp nhận việc không biết và học cách đón nhận cuộc sống khi nó diễn ra.
6. Bạn nên luôn theo đuổi đam mê
Chúng ta thường được nghe rằng chìa khóa của hạnh phúc là "theo đuổi đam mê của bạn". Nhưng chỉ có đam mê thôi chưa đủ. Trên thực tế, việc theo đuổi đam mê một cách mù quáng đôi khi có thể dẫn đến sự thất vọng, kiệt sức hoặc thậm chí thất vọng.
Đam mê thay đổi theo thời gian và không phải mọi đam mê đều cần phải biến thành sự nghiệp hoặc sứ mệnh cuộc đời. Đôi khi, việc ép buộc bản thân theo đuổi đam mê để duy trì cuộc sống - về mặt tài chính hoặc tình cảm - thực sự có thể tước đi niềm vui mà nó từng mang lại cho bạn.
Thay vì ám ảnh về việc tìm kiếm một đam mê để định nghĩa cuộc sống, hãy tập trung vào sự tò mò, sự phát triển và ý nghĩa. Hạnh phúc thường đến từ sự gắn kết và mục đích, không chỉ từ việc làm những gì khiến bạn phấn khích trong khoảnh khắc đó.
7. Người khác có thể khiến bạn hạnh phúc
Hoàn toàn tự nhiên khi bạn tin rằng bạn đời, những người bạn luôn ủng hộ, hoặc gia đình có thể mang lại hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, trong khi các mối quan hệ rất quan trọng, việc dựa dẫm vào người khác để có được hạnh phúc là một cái bẫy nguy hiểm.
Không ai khác có thể khiến bạn hạnh phúc theo cách sâu sắc và lâu dài. Nếu cảm giác viên mãn của bạn phụ thuộc vào sự hiện diện, sự chấp thuận hoặc hành vi của người khác, thì bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát hạnh phúc.
Các mối quan hệ lành mạnh có thể làm tăng hạnh phúc của bạn, nhưng chúng không nên là nguồn gốc hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự đến từ bên trong - cách bạn nhìn nhận bản thân, cách bạn xử lý những thách thức và vun đắp sự bình yên nội tâm.
Khi bạn tự tìm thấy sự hài lòng, các mối quan hệ trở nên trọn vẹn hơn nữa vì chúng được xây dựng trên sự kết nối, không phải sự phụ thuộc.
8. Hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng
Nhiều người nghĩ hạnh phúc là mục tiêu - điều mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu. Nhưng càng theo đuổi hạnh phúc, họ lại cảm thấy nó đang tuột khỏi tay mình. Áp lực phải luôn hạnh phúc khiến bạn cảm thấy như mình đang thất bại mỗi khi trải qua căng thẳng, buồn bã hoặc thất vọng. Cuối cùng, bạn nhận ra theo đuổi hạnh phúc như một mục tiêu cuối cùng không giúp ích gì, thực tế, nó có thể khiến bạn lo lắng hơn.
Điều tạo nên sự khác biệt thực sự là chuyển sự tập trung sang ý nghĩa, sự phát triển và sự hiện diện. Hạnh phúc không phải là thứ bạn đạt được và giữ mãi. Nó đến rồi đi, giống như mọi cảm xúc khác. Nhưng khi bạn xây dựng một cuộc sống tràn đầy mục đích và chánh niệm, hạnh phúc sẽ trở thành điều tự nhiên sẵn có, không phải là thứ bạn phải liên tục theo đuổi.
9. Bạn sẽ hạnh phúc khi cuộc sống hoàn hảo
Thật dễ dàng để tin rằng hạnh phúc sẽ đến khi mọi thứ trở nên ổn thỏa - khi bạn có công việc hoàn hảo, mối quan hệ lý tưởng hoặc cuộc sống không có căng thẳng và vấn đề.
Nhưng cuộc sống sẽ không bao giờ hoàn hảo. Sẽ luôn có những thách thức, sự không chắc chắn và những khoảnh khắc đấu tranh. Nếu hạnh phúc phụ thuộc vào việc mọi thứ đều hoàn hảo, bạn sẽ cảm thấy nó như ở ngoài tầm với.
Điều quan trọng không phải là chờ đợi một cuộc sống hoàn hảo mà là tìm thấy niềm vui trong chính sự không hoàn hảo mà bạn đang có.
Hướng Dương (Theo Hack Spirit)
Đọc bài gốc tại đây.