Thức ăn nhiều chất béo, đường tinh luyện và thực phẩm giàu chất xơ nếu tiêu thụ nhiều dễ gây khó chịu dạ dày, ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.
Thức ăn nhiều chất béo
Sau khi loại thực phẩm này đi vào ruột và dạ dày, hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian và năng lượng hơn để tiêu thụ chúng. Thức ăn giàu chất béo thường đọng lại trong dạ dày lâu, dễ dẫn đến các vấn đề như khó tiêu, tăng tiết axit.
Ngoài ra, quá nhiều chất béo còn có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến rối loạn chức năng đường tiêu hóa, dần dần tích tụ thành các bệnh về dạ dày.
Hấp thụ quá nhiều chất béo cũng phá hủy "cơ chế tự phục hồi" của đường tiêu hóa. Khi đường tiêu hóa chịu áp lực cao như vậy trong thời gian dài, khả năng tự phục hồi sẽ bị giảm đi rất nhiều, gây ra viêm loét dạ dày và các vấn đề khác từ rất sớm.
Đường tinh luyện
Tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là đường tinh luyện, không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Khi có quá nhiều đường, số lượng hệ vi sinh vật có lợi trong ruột giảm, vi khuẩn gây hại có thể sinh sôi nhanh chóng.
Sự phát triển của những vi khuẩn có hại này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng bình thường của ruột mà còn gây rối loạn, hình thành tình trạng viêm mãn tính, thậm chí gây loét đường tiêu hóa.
Nghiên cứu cho thấy quá nhiều đường tinh luyện cũng dẫn đến béo phì, gây ra tình trạng kháng insulin, gây gánh nặng lớn cho chức năng tiêu hóa và hấp thu. Những bệnh nhân tiêu thụ quá nhiều đường thường dễ bị khó chịu ở dạ dày và mắc các bệnh tiêu hóa.
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả, làm sạch cặn bẩn... Tuy nhiên, chất xơ quá mức sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, đặc biệt với những người mắc bệnh dạ dày. Chất xơ thô có thể làm kích ứng niêm mạc dạ dày và gây khó chịu. Người cao tuổi có chức năng tiêu hóa yếu không được khuyến nghị tiêu thụ nhiều chất xơ.
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của một số bệnh nhân mắc bệnh đường ruột mãn tính.
Hướng Dương (Theo Sohu)
Đọc bài gốc tại đây.