Bị trầm cảm vì áp lực công việc, cô gái 23 tuổi tìm cách 'detox' tinh thần

13/07 00:00
 

Trúc Linh, 23 tuổi, bị chẩn đoán trầm cảm độ 2, bắt đầu hành trình 'chữa lành' tinh thần sau một năm làm việc liên tục 14 tiếng mỗi ngày với nhiều áp lực.

Tháng 2/2023, Linh được nhận vào làm tại một tập đoàn đa quốc gia ở TP HCM, không lâu sau khi ra trường. Môi trường lớn, lương thưởng tốt, đồng nghĩa với khối lượng công việc dày đặc, yêu cầu khắt khe và "chạy" deadline không có thời gian nghỉ. Trúc Linh thường xuyên làm xuyên cả thứ Bảy, Chủ nhật vì sợ bị bỏ lại phía sau.

"Có những ngày, sáng mở mắt ra tôi chỉ muốn xin nghỉ việc ngay lập tức, tinh thần khủng hoảng nhưng cũng lo lắng, hoang mang vì thời nay khó kiếm việc thu nhập cao như vậy", Linh chia sẻ.

Ngoài công ty, áp lực còn đến từ mạng xã hội. Mỗi lần lướt LinkedIn, Linh nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa liên tục thăng tiến, gom thêm bằng cấp mới. Những bài viết "self-motivate" (tự thúc đẩy bản thân) càng làm Linh thấy tự ti vì sợ mình không đủ giỏi. "Thời điểm đó, tôi thường cáu gắt với người thân, tự chất vấn bản thân vì nghĩ mình chưa giỏi. Tinh thần tôi luôn ở trạng thái tiêu cực", Linh bày tỏ.

Sau hơn 14 tháng làm việc, Linh bị chẩn đoán trầm cảm cấp độ 2 trong một lần khám sức khỏe vào tháng 4/2024.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH, 2024), trầm cảm có 3 cấp độ: cấp độ 1 thường khó nhận biết; cấp độ 2, triệu chứng rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt; cấp độ 3 là mức nặng nhất, có thể dẫn đến ý nghĩ tự làm hại bản thân nếu không được can thiệp kịp thời. Tại Việt Nam, năm 2023, Bộ Y tế ước tính có khoảng 3,2 triệu người mắc trầm cảm, trong đó nhóm tuổi 18 - 29 chiếm tỷ lệ cao nhất, lên đến 5,4%.

"Nhận kết quả khám bệnh, tôi thấy mình không thể ngồi yên chờ mọi thứ tệ hơn, phải tìm giải pháp", Linh nói. Nhờ những lời khuyên từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, Linh đã bắt đầu hành trình "chữa lành" tinh thần.

Sáu tháng sau, Linh nhận ra sức khỏe tinh thần của mình đã được cải thiện phần nào. Trong đó, 5 phương pháp dưới đây được Linh duy trì đều đặn vì dễ áp dụng với dân văn phòng bận rộn.

Du lịch

Mỗi tháng, Linh cố gắng dành ra 3-4 ngày để xê dịch, dù chỉ là chuyến đi ngắn. Có những lần, Linh cùng bạn bè xuất phát lúc 7 giờ tối thứ Bảy, về lại thành phố lúc 5 giờ chiều Chủ nhật. Hành trình vỏn vẹn chưa đầy 24 giờ, nhưng Linh vẫn thấy đáng giá vì không thể để cuộc sống chỉ xoay quanh làm - ngủ - làm.

Với Linh, đi chơi không cần phải sang chảnh hay "sống ảo". Chỉ cần một chuyến ngắn cùng hội bạn thân, hoặc đơn giản là về quê thăm ông bà, ngồi ăn một bữa cơm ấm cúng.

Điều quan trọng Linh luôn nhắc bản thân là tắt hẳn thông báo công việc, để đầu óc thật sự nghỉ ngơi. "Thật ra công ty không sập chỉ vì thiếu một người vài ngày. Lúc quay lại, tinh thần tốt thì giải quyết nhanh hơn", cô nói.

Thiền và yoga

Không phải lúc nào cũng có thời gian để đi chơi xa, nên Linh duy trì thiền và yoga ngay trong lịch trình bận rộn. Giờ nghỉ trưa, Linh tranh thủ thiền 10-15 phút để hít thở, quan sát cảm xúc thay vì lướt mạng. Tối, cô duy trì ít nhất hai buổi tập yoga mỗi tuần để gặp gỡ những người bạn cùng sở thích, giãn cơ sau những giờ làm việc căng thẳng.

Hoạt động cuối tuần

Môi trường làm việc được Linh mô tả khá khô khan, chỉ toàn số liệu, báo cáo. Những hoạt động giải trí vào cuối tuần trở thành "khoảng thở" quý giá với cô. Linh tham gia từ vẽ tranh acrylic, nặn gốm, làm vòng tay đến cắm hoa, pha chế cà phê, làm nến thơm...

Mỗi buổi, Linh thường chọn đi cùng bạn bè để tạo không gian trò chuyện, kết nối ngoài công việc. Những hoạt động nhỏ như vậy giúp cô có cảm giác được làm chủ thời gian của bản thân và duy trì một lịch trình cuối tuần không quá bận rộn.

Kết nối với bản thân

Linh duy trì nhiều thói quen nhỏ để tự lắng nghe và kết nối với chính mình như viết nhật ký để sắp xếp những cảm xúc lộn xộn sau một ngày dài, skincare cẩn thận như một cách tự thưởng cho bản thân.

Mỗi tuần, Linh cũng dành thời gian đi bộ một mình để tập trung quan sát xung quanh và lắng nghe suy nghĩ. Khi tinh thần dễ xao nhãng, Linh chọn nghe podcast hoặc đọc sách ngắn để tìm lại sự cân bằng.

"Những điều nhỏ xíu này không giúp hết stress ngay lập tức, nhưng chúng nhắc mình quan tâm đến bản thân nhiều hơn thay vì để công việc cuốn đi", Linh chia sẻ.

Ăn uống khoa học

Linh thừa nhận những giai đoạn stress nặng, cô thường bỏ bữa, nạp nhiều cafein, ăn vội đồ ăn nhanh. Hậu quả là cơ thể yếu đi, tinh thần cũng dễ suy sụp hơn. Vì vậy bận rộn cỡ nào, cô cũng cố gắng ăn uống khoa học. Với Linh, một bữa ăn đầy đủ, lành mạnh giúp tăng năng lượng, thể hiện sự trân trọng bản thân mỗi ngày.

Theo Linh, quá trình "detox" tinh thần không phải chỉ một lần là hết mà cần phải nuôi dưỡng qua những thói quen tích cực mỗi ngày. "Đến bây giờ mình vẫn stress, vẫn khóc vì deadline. Nhưng ít ra mình biết lắng nghe bản thân và không để cảm xúc tiêu cực xâm chiếm quá lâu", Linh nói.

Hoàng Yến

Đọc bài gốc tại đây.