Dịch vụ che giấu tình trạng thất nghiệp nở rộ

17/01 10:28
 

Các công ty tại Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ văn phòng, hỗ trợ người thất nghiệp che giấu tình trạng mất việc làm vì sợ xấu hổ.

Tại Trung Quốc, nhiều công ty đang cung cấp dịch vụ "giả vờ đi làm", bao gồm không gian văn phòng và bữa trưa với giá 30 nhân dân tệ (4 USD) mỗi ngày. Dịch vụ này nhằm giúp những người thất nghiệp che giấu tình trạng của mình với gia đình.

Tại tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, một người đã đăng tải video về một văn phòng, quảng cáo đây là giải pháp kín đáo cho những người xấu hổ về việc thất nghiệp. "Với 29,9 nhân dân tệ mỗi ngày, bạn có thể 'làm việc' tại đây từ 10 giờ sáng đến 17h chiều, bao gồm cả bữa trưa", người này cho biết.

Một người ẩn danh khác quảng cáo dịch vụ tương tự với giá 50 nhân dân tệ (7 USD), cho phép khách hàng đóng vai "sếp", ngồi trên ghế da và chụp ảnh để trấn an gia đình. "Nhiều công ty lớn đang sa thải nhân viên", người này viết. Dịch vụ "làm sếp" cũng bao gồm bữa trưa với giá 4 USD.

Xu hướng "giả vờ đi làm" đã thu hút nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, với hơn 100 triệu lượt xem các chủ đề liên quan. Nhiều người cho rằng điều này giúp "giảm bớt áp lực tâm lý" cho người thất nghiệp.

Tuy nhiên, một số người khác lại chỉ trích dịch vụ này "khuyến khích sự trốn tránh", cho rằng nó cản trở quá trình tìm việc mới. Một cư dân mạng khác cho biết: "Sau khi bị sa thải 6 tháng trước, bố mẹ đã giúp tôi chuyển về quê. Bố mẹ sẽ luôn ủng hộ bạn, đừng bao giờ mất niềm tin vào bản thân".

Tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc ở độ tuổi 16-24 đạt mức cao kỷ lục 21,3%, khiến chính quyền phải tạm dừng công bố dữ liệu trong vài tháng. Chính phủ sau đó đã điều chỉnh phương pháp tính toán để loại trừ sinh viên. Tháng 11 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên giảm còn 16,1%, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Xu hướng người thất nghiệp che giấu tình trạng của mình với gia đình đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc. Jiawei, một cựu nhân viên thương mại điện tử ở Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, cho biết sau khi công ty phá sản, anh đã dành cả ngày tại quán cà phê để tìm việc và gửi hồ sơ. "Thất nghiệp rất căng thẳng, nhưng tôi không muốn truyền sự tiêu cực đó cho gia đình", anh nói với Yunxi Technology.

Jiawei rời quán cà phê vào giờ tan làm như thường lệ, đôi khi ở lại muộn để giả vờ làm thêm giờ. Trong khi đó, Chen, 29 tuổi, một cựu công nhân ngành bán dẫn ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, cho biết sau khi bị sa thải năm ngoái, anh đã chọn không nói với bạn gái.

Với hai tháng lương thôi việc, Chen dành thời gian ở thư viện để chuẩn bị cho kỳ thi công chức cấp tỉnh vào tháng ba. Các chuyên gia cho rằng việc "giả vờ đi làm" là một "hiện tượng cá biệt" ở Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Zhang Yong, giáo sư công tác xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, miền trung Trung Quốc: "Xã hội đặt nhiều áp lực lên mọi người để thành công và những người trẻ tuổi đôi khi đặt kỳ vọng công việc quá cao. Cú sốc đột ngột khi mất việc có thể dẫn đến trầm cảm".

Ông Zhang khuyên những người thất nghiệp nên tìm kiếm sự tư vấn chuyên nghiệp thay vì che giấu khó khăn. "Họ cần nhìn nhận tình hình một cách trung thực, hiểu thị trường việc làm, cởi mở với gia đình và xây dựng tư duy lành mạnh hơn về lựa chọn nghề nghiệp", ông nói thêm.

Tùng Anh (Theo Dimsum Daily)

Đọc bài gốc tại đây.