Hồ sơ mật của quốc phòng Pháp nói gì về chiến thắng Điện Biên Phủ?

26/04 16:02
 

Phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp sắp lên sóng VTV sẽ trả lời câu hỏi: Hồ sơ mật của quốc phòng và quốc hội Pháp nói gì về chiến thắng Điện Biên Phủ của người Việt Nam và thất bại của người Pháp?

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp dài 50 phút do ban Truyền hình đối ngoại (VTV4) thực hiện, sẽ lên sóng VTV4 lúc 20h ngày 6-5 và phát lại lúc 20h10 ngày 7-5 trên VTV1.

Điện Biên Phủ: Những tài liệu lần đầu công bố

Tại Họp báo các chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra ngày 26-4 ở Hà Nội, phó trưởng ban Truyền hình đối ngoại Trần Thu Hà kể lại quá trình khai thác khối tư liệu mật tại Trung tâm lưu trữ của Bộ quốc phòng Pháp và Quốc hội Pháp để tìm câu trả lời.

TIN LIÊN QUAN
  • Xem chiếc ghế tướng Đờ Cát dùng tại Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

  • Điện Biên Phủ - Núi vọng sông rền: 'Con 84 tuổi rồi vẫn chưa biết bố nằm ở đâu bố ơi'

  • Sau 70 năm, xác xe tăng, máy bay của quân Pháp vẫn lưu giữ ở Điện Biên Phủ

"Để tiếp cận những hồ sơ mật trong hệ thống lưu trữ của quốc phòng, quốc hội Pháp không dễ. 

Có những tài liệu đã được giải mật từ năm 2015 và có những tài liệu mới được giải mật từ năm ngoái. 

Hiện vẫn còn những tài liệu ở dạng tuyệt mật, chưa được công bố", bà nói.

Theo đó, một phần khối hồ sơ khổng lồ về chiến dịch Điện Biên Phủ, từ thời gian cụ thể, chiến lược, chỉ đạo của tướng lĩnh Pháp ra sao, sẽ lần đầu được đưa ra ánh sáng trong phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp.

Trong quá trình tìm hiểu, những người thực hiện nhận ra không có nhiều bộ phim phân tích sâu những xung đột nội bộ trong chính trị (trong suy nghĩ của các chính trị gia và dư luận Pháp) thời điểm 1953 -1954 về chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương.

Bà Hà kể có một số tài liệu tối mật tại đây đã ghi lại những thừa nhận của một số tướng lĩnh Pháp về lý do vì sao họ thất bại ở Điện Biên Phủ. Đó là những thông tin chưa từng được đề cập từ trước đến nay.

Lâu nay, khi nhắc về Điện Biên Phủ, ta hay dừng ở mốc 7-5-1954. Vậy sau thời điểm đó ra sao?

"Tại Ủy ban điều tra quân sự Pháp ở Điện Biên Phủ, có phiên điều trần tất cả các tướng lĩnh Pháp diễn ra suốt tám tháng trời tới năm 1955 mới kết thúc nhằm đưa ra các kết luận về trách nhiệm của các bên và sai lầm của các bên liên quan", nhà báo Trần Thu Hà hé lộ. 

Điều đó cho thấy dấu ấn và dư âm của Điện Biên Phủ còn đó ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc.

Phim Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp cũng đưa ra ánh sáng lực lượng tình báo bằng không ảnh của Pháp.

Thời đó, mỗi ngày lực lượng này thực hiện trung bình từ hai tới ba chuyến bay liên tục tới lòng chảo Điện Biên Phủ để thu thập những chiến thuật của quân đội Việt Nam.

"Có khoảng 10.000 bức không ảnh được ghi lại cảnh quân ta đào hào, giấu pháo… Tuy nhiên, họ thừa nhận Việt Nam giấu pháo rất giỏi, không biết giấu ở đâu", bà Hà cho biết "khi xem những tài liệu này, chúng tôi cũng vô cùng bất ngờ".

Người Pháp nói về chúng ta

Phim Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp cũng dẫn người xem đi gặp những cựu binh Pháp từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn đó.

"Chúng ta không nói về mình mà nghe chính người Pháp nói về chúng ta", bà Hà chia sẻ.

Đó là câu chuyện của ông Pierre Flamen – người đến Việt Nam cuối năm 1948 để thu thập thông tin tình báo về Việt Minh. Ông bị Việt Minh bắt bốn lần và có ba lần trốn thoát.

Trong một lần ở Thanh Hóa, ông tình cờ thấy bức tranh cổ động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được dán trên bảng tin trong khu lán trại giữa rừng tre nứa. Ông giữ bức tranh đó cho tới khi về Pháp và sau 70 năm cất giữ, ông đã tặng lại nó cho bảo tàng TP.HCM.

  • Xúc động, tự hào nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua tranh cổ động

  • Điện Biên Phủ, tướng Việt và tướng Pháp kể chuyện

Ông nhớ những nắm xôi lạc mà người dân Việt Nam đã nấu cho ông, hay nhớ cả lần được họ cứu khỏi trận sốt rét nặng… 

Pierre xúc động: "Họ không coi tôi là kẻ thù mà đón tôi như một đứa con đi xa trở về".

Hay cựu binh Jacques Bouthier, trong suốt thời gian ở đây, ông Jacques đã nhiều lần đụng độ Việt Minh và bị thương nặng ba lần.

Song ông vẫn luôn tôn trọng những người lính Việt: "Tôi rất tôn trọng bộ đội. Họ bảo vệ đất nước của họ. Vì thế, đáng lẽ chúng ta không bao giờ nên gây chiến tranh. Mọi cuộc chiến đều phi nghĩa".

Sau đó, Jacques Bouthier kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam. Ông cùng vợ và gia đình nhiều lần quay trở lại Việt Nam để thăm lại những nơi đã gắn bó với mình suốt những năm tháng tuổi trẻ.

Đọc bài gốc tại đây.