Theo tác giả 'Kể chuyện nghìn năm' Phạm Thiên Vũ, một dự án văn hóa bản địa muốn tồn tại lâu dài cần tìm sự đồng cảm từ doanh nghiệp, thương hiệu, từ đó có thể cùng chia sẻ kinh tế và tạo ra được giá trị thực sự.
Tối 15-1, tại Viện Trao đổi Văn hóa Pháp Idecaf, TP.HCM, dự án Kể chuyện nghìn năm tổ chức họp báo ra mắt "mô hình kinh tế chia sẻ từ văn hoá bản địa".
Với mô hình này, dự án mong muốn mang các sản phẩm của những nghệ sĩ, họa sĩ làm về văn hóa Việt Nam và nghệ thuật bản địa đến gần hơn với công chúng.
Đi giữa Sài Gòn, tôi không ngại khác biệt
Kể chuyện nghìn năm là một dự án văn hoá được ấp ủ trong 2 năm, hướng đến việc tạo ra một không gian nghệ thuật chuyên nghiệp để người tham dự có thể trải nghiệm, thưởng thức, cảm nhận sâu sắc về văn hóa Việt.
Mùa đầu tiên của dự án đã ra mắt công chúng vào cuối 2024 trong không gian nghệ thuật đương đại Lotus Gallery.
Các bức tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh được trưng bày, kết hợp 2 đêm concert trình diễn với bộ nhạc cụ khai thác tính năng, biểu cảm của cây tre Việt Nam và đất do nhóm nhạc Đàn Đó chế tạo trong 12 năm.
Theo ban tổ chức, dự án đã đón gần 300 khách đến trải nghiệm trong lần đầu tổ chức. Để tiếp nối, Kể chuyện nghìn năm - Chuyện Sài Gòn ra đời, được xem như mùa 2 của dự án.
Bà Huỳnh Thuỳ Vân, giám đốc điều hành dự án, cho biết khi dự định làm Kể chuyện nghìn năm ở Sài Gòn thì ban tổ chức luôn đặt ra câu hỏi: Sài Gòn có gì? Chuyện Sài Gòn sẽ ra sao?
"Và chúng tôi nhận ra Sài Gòn có nhiều câu chuyện để nói, để kể. Vậy nên, dự án dự định tổ chức mỗi quý một chương trình kết hợp nhiều trải nghiệm nghệ thuật khác nhau để làm đủ đầy hơn câu chuyện Sài Gòn".
Trong sự kiện, báo chí cũng đặt câu hỏi: "Văn hoá, nghệ thuật Sài Gòn không chỉ dừng lại ở Đàn Đó, mà còn có nổi bật với các loại hình khác như: kịch nói, cải lương, đờn ca tài tử, xiếc... Vậy Kể chuyện nghìn năm sẽ truyền tải thế nào để thể hiện hết các đặc trưng này?".
Ông Phạm Thiên Vũ, tác giả Kể chuyện nghìn năm nói dự án không cố gắng đưa ra một định nghĩa về Sài Gòn mà chỉ để hướng cho mọi người suy nghĩ, cảm nhận thêm về các nét văn hoá nơi đây:
"Khi thực hiện dự án, tôi tìm hiểu về Sài Gòn qua nhiều cuốn sách. Hầu như các tác giả đều thừa nhận rằng "đi giữa Sài Gòn thì không ngại khác biệt". Sài Gòn như một nhà sưu tập dễ tính luôn tôn trọng và đề cao sự đa dạng. Vì vậy, với Kể chuyện nghìn năm và nhóm Đàn Đó, tôi tin sẽ được vùng đất này chấp nhận".
Mô hình kinh tế chia sẻ văn hoá bản địa
Ngoài ra, theo ban tổ chức, Kể chuyện nghìn năm là dự án dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ từ văn hóa bản địa. Điều này có nghĩa là các cá nhân và tổ chức có cùng mối quan tâm, bổ trợ lẫn nhau trong việc gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa.
Ở đó, công chúng sẽ trả tiền để thưởng thức văn hóa nghệ thuật bản địa từ nghệ sĩ.
Nhà tổ chức là cầu nối, có vai trò thiết kế, quản lý và truyền thông các chương trình.
Doanh nghiệp là nhà tài trợ chính, có thể gia tăng nhận diện thương hiệu, xây dựng hình ảnh trách nhiệm xã hội và mở rộng mạng lưới hợp tác.
Tác giả Kể chuyện nghìn năm cho rằng một dự án văn hoá bản địa muốn tồn tại lâu dài cần tìm sự đồng cảm từ doanh nghiệp, thương hiệu.
Từ đó có thể cùng chia sẻ kinh tế và tạo ra được giá trị thực sự.
"Đơn cử, như một thanh sôcôla được bày bán trong sự kiện Kể chuyện nghìn năm cũng là sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế.
Bởi bao bì của thanh sôcôla này là một bức tranh về Nhà thờ Đức Bà của hoạ sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre). Đây là ví dụ của kinh tế chia sẻ, tức là trong một không gian về văn hoá - nghệ thuật, ta ứng dụng chất liệu văn hoá để làm ra những sản phẩm mang giá trị kinh tế thực sự".
Năm 2025, dự án Kể chuyện nghìn năm sẽ tổ chức tại Huế vào tháng 5, 6, 8 với không gian triển lãm nghệ thuật, thị giác, trình diễn.
Ngoài ra, dự kiến có thêm không gian về văn hoá đọc, văn hoá ẩm thực.
Đọc bài gốc tại đây.