Khoe thành tích chạy bộ 3km, bị mỉa 'chê nha'

25/04 07:32
 

H. (20 tuổi) chạy được 3km/ngày. Khi đăng hình ảnh lên hội nhóm, H. buồn bã vì thấy mọi người "chê nha", bởi thành tích chẳng đáng để khoe.

Chạy bộ điên cuồng để "khoe"

Phong trào chạy bộ đang tạo nên làn sóng tích cực trong việc rèn luyện sức khỏe. Nhiều nhóm chạy bộ được thành lập, những giải chạy từ Bắc chí Nam được tổ chức.

Có phong trào, có sân chơi khiến nhiều người trẻ được tung hoành khắp các giải chạy. Thế nhưng, những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khi những bước chạy phải dừng lại, nhẹ thì do chấn thương, nặng hơn phải nhập viện vì đột quỵ, thậm chí tử vong trên đường chạy.

Trong phong trào ấy, có một bộ phận giới trẻ đang chìm vào một cuộc đua mà họ cho rằng đó là "bứt phá mọi giới hạn của bản thân" mà không biết rằng mình đang đối diện với những hậu họa khôn lường đến sức khỏe.

Trong nhiều nhóm chạy, hằng ngày mọi người cùng nhau chia sẻ hành trình chạy bộ của mình. Có người xem đây là một hành động chia sẻ lan tỏa tinh thần thể thao tích cực. Nhưng cũng có người chạy bộ với mong muốn khẳng định bản thân, khoe lên mạng xã hội.

Bắt đầu làm quen với bộ môn chạy bộ được một tuần, H. (20 tuổi) đang là sinh viên tại Hà Nội chỉ chạy được 3km/ngày. Khi đăng hình ảnh lên hội nhóm, H. buồn bã vì thấy mọi người "chê nha", bởi thành tích chẳng đáng để khoe.

Thấy vậy, H. quyết tâm sẽ chạy lên 10km với pace (nhịp độ) 8p/km, dù trước đó vẫn đang ở pace 10p/km. Do tập luyện quá sức, H. gặp chấn thương, chân đau nhức không chịu được. Cuối cùng, cô gái đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán bong dây chằng cổ chân, phải điều trị dài mới hồi phục.

  • Đến Huế mùa này đừng quên mang giày chạy bộĐỌC NGAY

Còn chị M. (25 tuổi, Hà Nội) đang là nhân viên văn phòng và bắt đầu chạy bộ từ một cuộc thi do công ty tổ chức. Cuộc thi tổ chức trong vòng 1 tháng, người chạy được nhiều km nhất sẽ được vinh danh.

Vốn là người hiếu thắng, chị M. dồn hết thời gian rảnh của mình vào việc chạy bộ. Sau giờ tan ca, chị bắt đầu xỏ giày chạy. Thế nhưng, do trước đó không rèn luyện hằng ngày, những ngày đầu chị chỉ chạy được 2-3km vì đau cơ. Sau gần 1 tuần, chị bắt đầu "thách thức bản thân" đặt mục tiêu đạt 10km ngày và nhờ sự chăm chỉ ấy, chị đã dẫn đầu bảng xếp hạng.

Thế nhưng, ngày cuối cùng để "chốt" giải, người xếp hạng thứ hai đã vượt lên dẫn đầu, cách chị 20km. 

"Hôm đó, 9h đêm rồi, tôi thấy vị trí xếp hạng sắp bị tuột mất nên đã tiếp tục chạy. Tôi chạy được 15km thì bị trẹo chân, tôi cố gắng đi bộ thêm nhưng không chịu nổi. 

Cuối cùng vẫn chỉ xếp hạng 2 và hôm sau tôi phải vào viện kiểm tra vì vết thương bầm tím. May mắn, tôi chỉ bị bong gân", chị M. bộc bạch.

Thể thao cần sự rèn luyện

Trong các nhóm chạy, không ít thành viên ảo tưởng về sức khỏe của bản thân, thậm chí nghĩ mình "sinh ra để chạy". Bởi vậy, dù mới chỉ luyện tập trong thời gian ngắn, nhiều người đã bắt đầu đặt mục tiêu cao hơn, hay hễ có giải chạy là sẽ tham gia.

Theo bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy (nguyên bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam), chạy bộ là bộ môn dễ tập luyện nhưng đòi hỏi quá trình tập luyện dài hạn. Muốn hạn chế được những chấn thương, nguy hiểm, mỗi người cần có kế hoạch luyện tập, biết lượng sức mình.

Đối với chạy bộ, khi mới luyện tập thì chỉ nên bắt đầu với 3-5km trong vài tuần đầu. Sau đó tăng lên 7-10km các tuần tiếp theo, nhịp độ cũng cần tăng dần chứ không nên quá sức. Đặc biệt, trước khi tập luyện cần phải khởi động rất kỹ, làm nóng các cơ... Nếu không có thể dẫn đến chấn thương dây chằng, gót chân...

  • Nhiều người gặp rủi ro khi tham gia giải chạy bộ: Bác sĩ y học thể thao chỉ ra các bất cập

Thời gian qua, đã có người tử vong khi tham gia các giải chạy phong trào. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Thủy cho rằng đột quỵ trong lúc chạy bộ có thể xảy ra khi tập luyện ở cường độ lớn, nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường và khó kiểm soát.

Đồng thời các cơ quan này cũng hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều, gây ra thiếu máu lên não, từ đó não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ xảy ra với những người có bệnh lý nền mà không biết, nhất là người dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp.

Người bệnh rất khó biết mình bị bệnh, vì thông thường không triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Mặc dù trường hợp này rất ít nhưng cũng cần cẩn trọng. Tốt nhất, bạn nên kiểm tra tim mạch trước khi lựa chọn môn thể thao để tập luyện.

"Ngoài ra, một trong những nguy cơ rất lớn gây đột quỵ khi chạy bộ là người chạy gắng sức quá. Tức là thể lực bản thân chỉ có khả năng ở một mức nhất định nhưng lại cố gắng chạy hơn, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ", bác sĩ Thủy cảnh báo.

Đọc bài gốc tại đây.