Hồng Ngọc, 37 tuổi, sống ở quận Tây Hồ, đã xin phép làm việc tại nhà suốt hai tuần qua bởi mỗi khi ra đường, chị lại ho, khó thở vì khói bụi.
Nhiều tuần nay, mỗi khi chất lượng không khí xấu, Hồng Ngọc với thể trạng nhạy cảm, đều bị viêm mũi dị ứng, hắt hơi, khó thở, họng khò khè và chảy nước mắt. Để quyết định đến công sở hay làm từ xa, mỗi ngày chị đều theo dõi mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội qua ứng dụng AirVisual trên Iphone và chương trình thời tiết, thời sự. "Một khi ứng dụng dự báo chất lượng không khí AQI+ ở mức 180-200 (màu tím - chất lượng xấu), tôi thường xin phép làm việc từ xa", chị nói.
Nếu đi làm hoặc có việc cần ra ngoài bằng xe máy, chị phải che chắn kỹ lưỡng với một lớp áo gió để tránh bám bụi, mùi khói xăng xe vào quần áo bên trong. "Mình cũng luôn đeo khẩu trang, có trang bị kính chắn bụi khi ra đường nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào", chị cho hay.
Còn ở nhà, Ngọc liên tục phải sử dụng máy lọc không khí. Mỗi khi kiểm tra, Ngọc đều thấy màng lọc của máy mờ đặc bụi chỉ trong vài ngày dù vẫn đóng kín cửa sổ, cửa ra và nhà ở trong ngõ. "Mình phải tăng tần suất lau dọn nhà cửa lên hai lần mỗi ngày", chị nói.
Còn Hà Chi, 25 tuổi, sống tại quận Đống Đa, ngạc nhiên khi chiếc xe vừa rửa vài ngày đã bám bụi mờ. Cung đường đi làm khoảng 10 km của cô thường ngang qua các con phố có lượng xe cộ đông đúc nhất thành phố như Láng, Chùa Bộc, Xã Đàn. "Khoảng tháng trước, mình còn thấy đỡ, nhưng tới tháng này, mỗi khi đi làm tắc đường, mình đều thấy khó thở, đầu choáng váng vì lượng khói bụi lớn từ xe cộ", Chi nói. Vì vậy, Chi đang chọn cách đi làm sớm hơn, đeo hai khẩu trang dày, rửa mũi và súc họng hàng ngày.
Trong khi người trẻ khó chịu vì bụi mịn, người già và trẻ nhỏ cũng khổ sở khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bà Kim Phương, 67 tuổi, quận Hoàng Mai, sống cùng gia đình con trai tại một ngôi nhà ở mặt đường. Khoảng một tuần nay, bà liên tục ngứa họng, ho mà không rõ nguyên nhân. Sau đó, bà đi khám và được chẩn đoán viêm mũi dị ứng vì thời tiết. Cháu gái bà mới hai tuổi cũng gặp triệu chứng tương tự. Do tình trạng hiện tại, bà chấp nhận đóng cửa quán nước trước cửa nhà để hạn chế bụi và trông cháu giúp các con thay vì gửi bé đi lớp như trước, hạn chế ra ngoài để tránh hít khói bụi.
Ô nhiễm khói bụi cũng làm đảo lộn cuộc sống và thói quen hàng ngày của nhiều người. Khoảng một tháng nay, Jason (người Anh, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) đã bỏ chiếc khẩu trang mỏng để chuyển sang gắn bó với khẩu trang N95 có giá đắt hơn ba lần mỗi khi phải ra ngoài đường. "Tôi yêu Hà Nội, có công việc tại đây nhưng thật tệ khi thấy chất lượng không khí đi xuống. Không chỉ đầu tư vào khẩu trang chất lượng tốt, tôi đã phải bỏ thói quen đạp xe mỗi buổi chiều hoặc ngày cuối tuần để tránh hít thêm bụi mịn. Nhưng nếu sắp tới, chất lượng không khí ít được cải thiện, tôi cân nhắc chuyển tới địa phương khác ở Việt Nam để làm việc, tránh ảnh hưởng sức khỏe", anh tiếp tục.
Theo Thời tiết VTV, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài chục ngày và chưa có dấu hiệu kết thúc. Hôm 20/1, thủ đô Hà Nội có nhiều mây, sương mù nhiều và dày hơn hai ngày cuối tuần trước. Hiện tượng sương mù cũng khiến Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên là 4 tỉnh ô nhiễm nhất miền Bắc sáng 20/1. Chỉ số chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc hôm nay ở mức xấu đến rất xấu. Tình trạng này chỉ chấm dứt khi có đợt không khí lạnh mới tràn về (dự kiến tầm 27 Tết).
Nói về tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây không phải là hiện tượng bất thường. Thực tế, ngay từ tháng 10/2024, Hà Nội đã chính thức bước vào "mùa ô nhiễm không khí" và sẽ còn kéo dài tới ít nhất hết tháng 3/2025.
Về nguyên nhân, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân chia ra hai yếu tố chính, bao gồm: Các nguồn thải của Hà Nội và một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát và sự tác động bất lợi từ thời tiết. Ông phân tích, trong hai yếu tố này, thời tiết là thứ chúng ta không thể điều khiển được. Cách kiểm soát chính là phải làm sao hạn chế các nguồn ô nhiễm, cần xác định nguồn này bao gồm khói thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hay nạn đốt rơm rạ.
Trong không khí ô nhiễm hiện nay chủ yếu chứa bụi PM2.5 hay bụi mịn. Bụi PM 2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư... Không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn.
Trong thời gian chờ đợi các biện pháp kiểm soát ô nhiễm có hiệu quả, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe. Đó là đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường sống. Gia đình hạn chế sử dụng hoặc thay thế bếp than tổ ong, bếp củi, nên dùng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
Gia đình hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt khi nhà ở cạnh đường lớn nhiều khói bụi. Mọi người vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nhóm người già, trẻ em, thai phụ... tăng theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị. Tiêm vaccine cũng là một biện pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả cho trẻ em và người lớn.
Hằng Trần
Đọc bài gốc tại đây.