Từ một ngôi sao thể hình, Maria Palen hiện nỗ lực trị liệu với hy vọng lấy lại cảm giác ở đôi chân sau khi bị liệt nửa thân dưới vì ve cắn.
Maria Palen, kỹ sư hóa học 31 tuổi đến từ bang California, Mỹ, theo đuổi chế độ ăn thuần chay, sạch sẽ, tập thể hình đều đặn và thu hút hơn 20.000 người theo dõi trên Instagram nhờ hành trình "lột xác" vóc dáng đầy ấn tượng.
Nhưng một bước ngoặt bất ngờ đã khiến cuộc đời Maria rẽ hướng khác. Sau nhiều tháng đau khớp không rõ nguyên nhân, sưng tấy và mệt mỏi kéo dài, Maria được chẩn đoán mắc bệnh babesiosis - một căn bệnh do ký sinh trùng truyền qua ve cắn. Đến cuối năm 2024, cô bị liệt từ thắt lưng trở xuống.
Ban đầu, các triệu chứng rất nhẹ như sưng viêm, đau khớp và cơn đau dai dẳng ở ngón tay cái. Như nhiều người khác, Maria chọn cách đối phó tự nhiên: ăn uống sạch hơn, tập luyện chăm chỉ hơn. Nhưng tình trạng lại càng trở nên tồi tệ.
Đến tháng 3/2024, cô gần như không thể rời khỏi giường. Những việc đơn giản như khóa điện thoại hay mở hộp cá ngừ trở thành thử thách. Cuối cùng, một chuyên gia y học chức năng chẩn đoán cô mắc babesiosis, một căn bệnh ít được biết đến, do ký sinh trùng Babesia xâm nhập vào hồng cầu. Khác với bệnh Lyme – căn bệnh phổ biến hơn cũng do ve truyền, babesiosis thường bị bỏ qua vì triệu chứng ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm với cúm hoặc mệt mỏi thông thường.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca babesiosis đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, từ khoảng 1.000 ca năm 2011 lên khoảng 2.500 ca mỗi năm hiện nay.
Maria tin rằng mình có thể đã bị ve cắn từ nhiều năm trước khi đi leo núi, nhưng không hề hay biết. Qua thời gian, nhiễm trùng âm thầm tiến triển và cuối cùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Đến tháng 10/2024, cô không thể ngồi vì đau dữ dội ở xương cụt. Không lâu sau đó, cô bị liệt.
Ve cắn thường không được chú ý, do vết cắn nhỏ, không gây đau và rất dễ bỏ qua. Điều đáng lo ngại hơn là một số mầm bệnh có thể nằm im trong cơ thể suốt thời gian dài. Trường hợp của Maria không phải do bất cẩn, mà là minh chứng cho sự thiếu hiểu biết và thiếu nhận thức về những căn bệnh ít phổ biến như babesiosis.
Ve hoạt động mạnh nhất vào mùa ấm, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều cỏ dại hoặc rừng cây. Mùa ve năm 2024 ở Mỹ được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây, do mùa đông ấm hơn giúp nhiều loài động vật – vốn là vật chủ của ve – sống sót qua mùa lạnh. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Riverside, sự gia tăng số lượng ve đồng nghĩa với nguy cơ cao hơn từ các bệnh truyền nhiễm hiếm gặp.
Các loại vi sinh vật gây babesiosis như Babesia microti và B. duncani rất khó phát hiện vì chúng ẩn trong hồng cầu. Các nghiên cứu gần đây giải mã bộ gen của B. duncani cho thấy loài này hoạt động tương tự ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, lý giải tại sao bệnh nhân có thể gặp triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau cơ trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều khiến câu chuyện của Maria trở nên đặc biệt không chỉ là bi kịch, mà còn là sự kiên cường. Dù phải trị liệu 8 tiếng mỗi tuần, cô vẫn giữ hy vọng có thể phục hồi cảm giác ở đôi chân. Nhưng trải nghiệm của cô nhấn mạnh một điều quan trọng: phát hiện sớm có thể thay đổi tất cả.
Hiện nay, các bác sĩ thường xét nghiệm Lyme khi nghi ngờ bệnh do ve, nhưng babesiosis thì không phải lúc nào cũng được lưu tâm, do hai căn bệnh này có thể cùng tồn tại, khiến triệu chứng dễ bị nhầm lẫn. Đó là lý do giới y khoa cần mở rộng góc nhìn, và mỗi cá nhân nên chú ý đến những thay đổi bất thường về năng lượng, sức mạnh cơ bắp hoặc cơn đau mãn tính – đặc biệt sau thời gian ở ngoài thiên nhiên.
Và mối nguy không chỉ đến từ những chuyến leo núi hay cắm trại. Ngay cả việc làm vườn ở sân sau rậm rạp hay đi dạo qua những lối mòn nhiều cây cối cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ – đặc biệt nếu không mặc đồ bảo hộ hoặc dùng thuốc chống ve.
Trường hợp của Maria là một lời nhắc nhở rằng: sống lành mạnh thôi chưa đủ – hiểu rõ nguy cơ và hành động kịp thời mới thực sự bảo vệ được sức khỏe.
Biện pháp phòng tránh ve cắn thực sự hiệu quả
Hầu hết các danh sách phòng tránh ve cắn đều nhắc đến những điều cơ bản như "mặc áo dài tay" hay "kiểm tra cơ thể sau khi ở ngoài trời". Nhưng trường hợp của Maria Palen cho thấy, cần phải nhìn sâu hơn và hành động quyết liệt hơn:
Trang phục không chỉ là lớp che chắn – mà là công cụ bảo vệ
Chọn quần áo sáng màu giúp dễ phát hiện ve hơn khi chúng bám vào. Ngoài ra, việc nhét ống quần vào tất không chỉ là mẹo thời trang kỳ lạ – đó là một hàng rào vật lý hiệu quả ngăn ve từ lớp cỏ thấp tiếp xúc với da.
Đừng bỏ qua những vùng kín khi kiểm tra cơ thể
Ve thường tìm đến những nơi ấm, ẩm và khuất tầm nhìn như sau tai, dưới cánh tay, sau đầu gối, dọc đường chân tóc, thậm chí giữa các ngón chân, để trú ngụ. Vì thế, việc kiểm tra toàn thân sau khi trở về từ thiên nhiên là điều bắt buộc.
Không phải loại thuốc chống côn trùng nào cũng hiệu quả như nhau
CDC khuyến cáo sử dụng các sản phẩm đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) chứng nhận, có chứa DEET, picaridin hoặc tinh dầu khuynh diệp chanh. Các sản phẩm tự nhiên như tinh dầu sả có thể thơm, nhưng thường không đủ mạnh để đẩy lùi ve mang mầm bệnh.
Quần áo đi rừng, đi dã ngoại nên được xử lý riêng biệt
Ngay khi về nhà, hãy thay đồ và giặt ngay bằng nước nóng. Ve có thể sống sót trên vải, bám theo quần áo chui vào giường, ghế sofa, hoặc thảm – tiếp tục là mối nguy cho cả gia đình.
Đừng xem nhẹ những dấu hiệu mơ hồ như mệt mỏi, sưng viêm hay đau nhức kéo dài
Những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng chỉ là "stress" hay "tập luyện quá sức". Nếu các triệu chứng này kéo dài không rõ nguyên nhân, nên đi xét nghiệm máu để sớm phát hiện các nhiễm trùng tiềm ẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với thiên nhiên.
Hướng Dương (Theo Times of India)
Đọc bài gốc tại đây.