Lễ Ariêu Piing huyền bí: Đưa người chết từ rừng ma về nhà mồ

25/04 05:26
 

Sau 20 năm, người làng La Hót tổ chức lễ Ariêu Piing - tức lễ cải táng - đưa người chết từ rừng ma về nhà mồ để chăm sóc, hương khói.

Trong 4 ngày từ 22 đến 25-4, người dân làng La Hót (xã A Bung, huyện Đakrông, Quảng Trị) tổ chức lễ Ariêu Piing. Lễ gần đây nhất được tổ chức vào năm 2004.

Ariêu Piing còn gọi lễ nhà mồ, lễ cải táng, lễ bốc mả, là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh với người Pa Kô. 

Đây là lễ hội tín ngưỡng độc đáo, tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất.

  • Gìn giữ suối nguồn tiếng hát dân ca Pa Kô trong trường học

Già làng Hồ Văn Đô, 70 tuổi, cho hay La Hót có 77 hộ dân với 11 dòng họ. 

Nhiều tháng trước, các trưởng họ họp nhau, chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ Ariêu Piing.

"Ngày được chọn phải là ngày sáng trăng vào mùa hè, thường từ tháng 4 đến tháng 7", già làng Đô nói. Lý do chọn ngày sáng trăng bởi lễ hội có nhiều hoạt động diễn ra vào buổi tối, trong khi hàng chục năm trước không có điện thắp sáng như bây giờ.

Theo quan niệm của người Pa Kô, người chết được an táng vào rừng ma. Sau đó, người dân sẽ không vào thăm viếng người đã khuất.

Chờ đến lễ Ariêu Piing định kỳ, người sống sẽ vào rừng ma, bốc hài cốt người thân về tập trung ở khu vực làm lễ. Ariêu Piing gồm nhiều nghi lễ nhỏ, trong đó quan trọng nhất là lễ đâm trâu, hiến tế con vật sống cho thần linh.

  • Các nghi lễ của lễ hội Bà chúa Xứ núi Sam tổ chức không quá 30 người

  • Người Israel cổ đại dùng cần sa trong các nghi lễ tôn giáo

Già làng Đô cho hay ngày nay nhiều hủ tục đã được bãi bỏ, trong đó có lễ đâm trâu, chỉ tái hiện phần nghi thức. 

Trong lễ đâm trâu, các già làng, những phụ nữ Pa Kô sẽ mang thổ cẩm truyền thống, đeo chuỗi hạt quý nhất đi quanh khu vực hiến tế. Họ vừa đi, vừa múa hát, đánh cồng chiêng để mừng người chết được trở về.

Kết thúc lễ hội Ariêu Piing, các hài cốt sẽ được đưa vào nhà mồ ở bìa rừng ma, gần với người dân. Từ sau lễ này, người dân sẽ đến thăm viếng người chết thường xuyên hơn.

Nghi lễ còn là sợi dây gắn kết để người sống đoàn kết, yêu thương nhau hơn.

Ngày nay, lễ Ariêu Piing trở thành một lễ hội đặc sắc, thu hút du khách thập phương tìm về vùng rừng núi miền tây Quảng Trị để tìm hiểu văn hóa bản địa.

Tháng 11-2023, lễ Ariêu Piing trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đọc bài gốc tại đây.