Magie làm dịu các triệu chứng mãn kinh ra sao?

15/04 12:19
 

Magie có thể làm dịu các triệu chứng điển hình của thời kỳ mãn kinh như giảm cơn bốc hỏa, cải thiện giấc ngủ, giảm tâm trạng thất thường và lo lắng...

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ, trung bình bắt đầu ở độ tuổi 51-52, mặc dù nó có thể diễn ra trước hoặc sau nhiều năm. Giai đoạn này đánh dấu sự kết thúc của kỳ kinh nguyệt và kèm theo các triệu chứng như bốc hỏa, khó ngủ, tăng cân, mất mật độ xương hoặc khối lượng cơ và sự dao động hormone, chủ yếu là estrogen và progesterone. Vì những triệu chứng này mà giai đoạn mãn kinh trở nên khó khăn đối với phụ nữ. Kiểm soát thời kỳ mãn kinh có thể đi kèm với sự kết hợp của chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục đầy đủ và cảm xúc tích cực.

Lợi ích của magie cho thời kỳ mãn kinh

Nhiều chất dinh dưỡng tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Nhưng magie có khả năng giảm bớt một số triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh do nó tham gia vào các quá trình sinh lý khác nhau trong cơ thể. Dưới đây là những cách mà magie có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh:

Giảm bớt cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm

Magie được cho là giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giảm tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, những triệu chứng mãn kinh phổ biến.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Magie có thể thúc đẩy sự thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ, do nhiều người bị gián đoạn giấc ngủ trong thời kỳ mãn kinh. Giấc ngủ ngon hơn cũng có thể gián tiếp giúp giảm các triệu chứng mãn kinh khác như khó chịu và mệt mỏi.

Điều hòa tâm trạng

Magie có tác dụng làm dịu hệ thần kinh và có thể giảm bớt sự thay đổi tâm trạng, lo lắng, khó chịu ở phụ nữ mãn kinh. Mức magie thấp có liên quan đến cảm giác trầm cảm hoặc lo lắng tăng cao. Một nghiên cứu thực hiện với 8.984 người cho thấy những người có mức magie thấp, dưới 183 mg mỗi ngày, sẽ trải qua cảm giác trầm cảm nhiều hơn.

Tăng cường sức khỏe của xương

Magie rất cần thiết cho sức khỏe của xương và hoạt động cùng với canxi, vitamin D để duy trì mật độ xương. Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn và việc bổ sung đủ magie có thể góp phần tăng cường sức mạnh xương. Một nghiên cứu tiếp theo kéo dài 7 năm được thực hiện với 73.684 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy lượng magie tiêu thụ cao từ 334-422 mg hoặc cao hơn từ thực phẩm hoặc chất bổ sung có liên quan đến mật độ khoáng xương cao hơn.

Kiểm soát chuột rút và căng cơ

Magie giúp điều chỉnh chức năng cơ và có thể làm giảm chuột rút, co thắt và căng cơ, những triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Magie đóng vai trò duy trì sức khỏe tim mạch bằng cách hỗ trợ huyết áp và nhịp tim bình thường. Chuyên gia cho biết phụ nữ mãn kinh có thể được hưởng lợi từ tác dụng bảo vệ tim của magie. Mức magie thấp dẫn đến sức khỏe tim kém. Một nghiên cứu được thực hiện với 3.173 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy mức magie cao có liên quan đến việc giảm các dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh tim, điều này cho thấy sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Làm dịu táo bón

Một số phụ nữ mãn kinh gặp các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và magie có thể hoạt động như thuốc nhuận tràng tự nhiên, thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên.

Cải thiện chức năng não

Magie rất quan trọng đối với chức năng nhận thức và giúp hỗ trợ trí nhớ, sự tập trung; có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh.

Nên tiêu thụ bao nhiêu magie mỗi ngày?

Liều lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ mãn kinh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và các triệu chứng cụ thể. Chuyên gia cho biết lượng tham chiếu chế độ ăn uống (DRI) đối với magie thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính nhưng nhìn chung dao động khoảng 310-420 mg mỗi ngày đối với phụ nữ trưởng thành.

Rủi ro hoặc tác dụng phụ của việc tiêu thụ magie trong thời kỳ mãn kinh

Mặc dù bổ sung magie có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được những rủi ro hoặc tác dụng phụ tiềm ẩn, đặc biệt khi dùng liều cao hơn. Dưới đây là một số cân nhắc liên quan đến rủi ro và tác dụng phụ của việc bổ sung magie:

Vấn đề về đường tiêu hóa

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của việc bổ sung magie là rối loạn tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng. Điều này có nhiều khả năng xảy ra với một số dạng magiê nhất định, chẳng hạn như magiê oxit. Để giảm thiểu những tác dụng này, hãy bắt đầu với liều thấp hơn và tăng dần nếu dung nạp được.

Tương tác thuốc

Bổ sung magie có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu và thuốc dùng cho bệnh tim. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu bổ sung magie nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh các tương tác tiềm ẩn.

Chức năng thận

Những người bị suy giảm chức năng thận có thể có nguy cơ bị nhiễm độc magie nếu họ bổ sung magie liều cao. Magie dư thừa không thể được đào thải qua thận một cách hiệu quả trong những trường hợp như vậy, dẫn đến nồng độ magie trong cơ thể tăng cao.

Sức khỏe tim mạch

Mặc dù magie thường có lợi cho sức khỏe tim mạch, nhưng việc bổ sung magie liều rất cao có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và gây nguy hiểm cho những người mắc một số bệnh tim. Điều quan trọng là phải tuân theo liều lượng khuyến nghị và tìm kiếm lời khuyên y tế nếu bạn có vấn đề tiềm ẩn về tim.

Phản ứng dị ứng

Trong một số ít trường hợp, có người sẽ gặp phản ứng dị ứng với chất bổ sung magie, đặc trưng bởi các triệu chứng như phát ban, ngứa, sưng hoặc khó thở.

Quá liều

Mặc dù ngộ độc magie từ nguồn thực phẩm rất hiếm, việc bổ sung quá nhiều magie có thể dẫn đến các triệu chứng như hôn mê, lú lẫn, nhịp tim không đều, huyết áp thấp và thậm chí suy hô hấp. Do đó, phải tuân thủ liều lượng khuyến cáo và tránh bổ sung quá mức.

Nguồn thực phẩm tốt nhất của magie

May mắn thay, magie có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm nên dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Thực phẩm giàu magie bao gồm quả hạnh, trái bơ, chuối, đậu, bông cải xanh, hạt điều, chocolate đen, cá hồi hoặc cá bơn, các loại rau lá xanh như rau bina, cháo bột yến mạch, hạt bí ngô hoặc hướng dương, đậu nành và đậu hũ.

Hướng Dương (Theo Healthshots)

Đọc bài gốc tại đây.