Bưởi Diễn có đặc điểm để càng lâu vị càng ngọt đượm, ráo nước nên cách để bảo quản loại quả này rất quan trọng.
Chọn và phân loại bưởi
Tới cuối tháng 11-12 âm lịch, bưởi Diễn bắt đầu chín. Một số gia đình thường mua vài chục quả về ăn dần.
Nếu chọn bưởi thờ cúng nên chọn trái to, nhiều lá và mua trước Tết vài ngày. Còn nếu chọn bưởi ăn nên chú ý các dấu hiệu sau để có quả bưởi ngon: cuống nhỏ, vỏ căng, màu vàng rơm hoặc vàng sậm, khi cầm chắc tay, nặng 600-800 gr.
Nếu muốn ăn ngay nên chọn quả hơi héo, da nhăn vì tép bưởi xuống nước ngọt ngon. Nếu muốn trữ lâu ăn dần nên chọn quả còn núm trên cuống. Khác với loại bưởi khác, bưởi Diễn càng để lâu thì các axit hữu cơ càng chuyển hóa thành đường nên có vị ngọt đượm, tép mọng mà vẫn ráo.
Cách sơ chế và bảo quản bưởi
Bưởi mua về dùng khăn sạch mềm thấm rượu trắng hoặc cồn lau sạch vỏ, cuống.
Lấy vôi tôi (mua ở cửa hàng bán trầu cau) chấm lên cuống quả. Việc này giúp ngăn vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập.
Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi nilon sạch buộc kín từng quả bưởi lại. Làm lần lượt cho tới hết.
Trải bìa carton rồi xếp bưởi thành từng hàng, để ở nơi thoáng mát.
10 - 15 ngày kiểm tra một lần để loại bỏ quả hư hỏng, tránh lây lan.
Chú ý: Tránh để bưởi ở nơi ẩm thấp, không xếp chồng lên nhau, không xếp xuống nền nhà ẩm vì ra Tết ở miền Bắc nồm ẩm, dễ bị hỏng.
Với cách bảo quản này, bưởi có thể bảo quản 3 - 4 tháng.
Bùi Thủy
Đọc bài gốc tại đây.