Nghỉ việc rồi tốn tiền chữa lành: Để lành thì khó chứ rách dễ lắm

09/05 09:52
 

Thời buổi bây giờ bỏ tiền làm gì cũng nên suy nghĩ kỹ, kể cả là chữa lành, hồi phục tinh thần. Chữa rách vết thương đang lành thì nguy.

Đó là góp ý của một bạn đọc sau khi xem bài viết "Đột ngột nghỉ việc, rồi rách ví vì đi chữa lành" đăng trên Tuổi Trẻ Online.

Rách việc lẫn rách ví

Ai cũng từng có tổn thương tinh thần, cũng cần thời gian phục hồi. Nhưng không nên đột ngột nghỉ việc rồi chữa lành (trừ khi tài chính dư dả) bởi sau đó có thể sẽ mất cả chì lẫn chài, vừa thất nghiệp, vừa tốn tiền mà chưa chắc vết thương đã lành.

Anh Dương Đức Thọ nhìn nhận: "Đặt ra nhiều thứ để làm gì? Chữa lành không phải là từ mới, lạ lẫm trong từ điển tiếng Việt. Nhưng trào lưu đã tạo sự lôi cuốn, trục lợi, mà giới trẻ là đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực".

  • Đột ngột nghỉ việc, rồi rách ví vì đi chữa lànhĐỌC NGAY

Bạn đọc có nickname 5 Mì Lát cho biết khi đột ngột nghỉ việc, rồi rách ví vì đi chữa lành, vậy là không chỉ rách ví đâu, mà rách việc luôn.

Còn tài khoản tên Ý kiến cho biết mình dị ứng với hai chữ chữa lành vì nghe chung chung và không có phương pháp gì cụ thể. "Cuộc sống là do mình quyết định, sao lại phụ thuộc, vướng mắc bởi tình cảnh bên ngoài. Tự mình làm chủ đời mình không phải là hay hơn hay sao?", bạn này nói.

"Tuổi trẻ hay làm việc cảm tính, rồi hối hận. Phải bị "đời" giáng những cú tát đau điếng như thế này mới trưởng thành được!", độc giả Anh Vũ bình luận.

Bạn đọc Hồng Nhung thì tự nhắc mình đừng yếu đuổi để phải đi chữa lành qua câu nói của tác giả Nguyễn Thiên Ngân: "Em ơi, đừng yếu đuối. Một tẹo thôi đã buồn. Làm sao đi đến cuối. Giữa cuộc đời đao gươm".

Không ai đang yên ổn mà đột ngột nghỉ việc, đi chữa lành

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không chỉ giới trẻ bây giờ, mà thế hệ nào cũng đôi lần "rách", và có nhiều cách chữa lành phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng người.

Bạn đọc có tên tài khoản Chàng trai tháng mười hai chia sẻ rằng ai cũng có mặt yếu đuối của mình, nên việc chữa lành không có gì xấu, quan trọng ở chỗ thời điểm nào.

Anh cho hay: "Thế hệ trẻ bây giờ có điều kiện sống tốt hơn, yếu lòng hơn âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng nghỉ việc cái đùng để đi chữa lành thì có lẽ dễ phản tác dụng. Tâm trí đã rối bời thì không thể bình ổn ngay được. Cần có thời gian, cần hiểu bản thân và chấp nhận".

"Thực tế là không có ai đang yên đang lành mà lại đột ngột nghỉ việc để đi chữa lành cả", là bình luận của độc giả Lâm Thái.

  • Hàng ngàn lời khuyên tuổi 30 gửi tuổi 22: Tiết kiệm, cười nhiều và bớt chữa lànhĐỌC NGAY

Ở góc độ người lớn tuổi, độc giả Phạm Thiết Hùng đồng cảm với những người muốn chữa lành. Ông nói rằng không phải thế hệ trẻ bây giờ mới cần chữa lành, bản thân ông là thế hệ những năm 1950 cũng "bị thương" te tua.

Ông kể mình hồi sinh viên năm cuối bị người yêu bỏ. Đêm xuống, ông nghĩ chẳng việc gì phải buồn. Sáng vẫn dậy sớm tập thể dục, lên giảng đường. Chiều đá bóng, hay tập luyện thể thao trong đội tuyển điền kinh của trường. Sau này ông mới biết người yêu cũ theo dõi xem ông có suy sụp không. 

Rồi đi làm ở một đơn vị được một thời gian ngắn, ông bị người quản lý "vô hiệu hóa" bằng cách không giao việc, mà đến kỳ lương vẫn lĩnh. Ông bèn xin cấp trên cho đi học, vừa được hỗ trợ, học xong lại được giao việc khác.

"Tôi chỉ nghĩ cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Không việc gì phải tiêu cực, tự hủy hoại bản thân. Trong cái gọi là nguy cơ ắt có cơ hội đang chờ. Miễn chúng ta có biết nắm bắt kịp hay không", ông bày tỏ.

Đọc bài gốc tại đây.