Thay vì đi chơi, tìm đối tượng hẹn hò, nhiều người trẻ Trung Quốc đến bar tham gia buổi thuyết giảng, thảo luận cùng chuyên gia.
Cuối năm ngoái, một hàng dài người xếp hàng dưới thời tiết 0 độ C để đợi vào quán bar trong con hẻm ở Thượng Hải. Họ không đến đây để uống rượu mà để nghe bài thuyết giảng của một chuyên gia về xã hội học y khoa.
"Bar học thuật" dần trở thành khái niệm phổ biến ở Trung Quốc. Nhiều người trẻ ở thành thị muốn được nghe các học giả và chuyên gia thuyết trình tại các địa điểm đặc biệt.
Những quán bar hiện đại đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc khoảng thế kỷ 20, dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Đến những năm 1990, các night club (hộp đêm) bắt đầu mở cửa trên toàn Trung Quốc và sớm thịnh hành nhờ sự gia tăng thu nhập cùng nhu cầu giải trí của dân thành thị.
Sau cuộc kiểm tra toàn diện các quán bar và night club gây mất trật tự công cộng đầu năm 2000, văn hóa giải trí về đêm trở nên lành mạnh hơn.
Gần đây, một số thay đổi lớn diễn ra tại các quán bar Trung Quốc. Nhiều nơi phát những bản nhạc truyền thống thay vì Âu Mỹ, trang trí đèn lồng đỏ, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia.
Và sự xuất hiện của các bar học thuật là làn sóng mới. Người trẻ đến đây để thảo luận về triết học, văn học, lịch sử và chính trị. Đây là không gian mở, tự do, đem đến những cuộc đối thoại sâu sắc và cởi mở hơn.
Nhu cầu của giới trẻ thành thị hiện nay là được hoàn thiện trí tuệ, ưu tiên trải nghiệm mang tính cá nhân, riêng biệt, đều được thể hiện qua mô hình bar này.
Tuy nhiên hiệu quả kinh doanh thực tế của các cơ sở trên vẫn là dấu hỏi lớn. Một số đơn vị bị chỉ trích vì tạo cảm giác trịch thượng, hơn người và chỉ phục vụ giới tinh hoa. Đa số đơn vị tổ chức cũng không đưa ra mức chi phí tối thiểu với người tham dự. Trong khi nhiều bài giảng kéo dài nhiều tiếng dễ ảnh hưởng đến doanh thu của quán.
Về tổng quan, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc phát triển mô hình kinh doanh bền vững từ ý tưởng này không phải chuyện dễ dàng.
Minh Phương (Theo Sixth Tone)
Đọc bài gốc tại đây.