Ngủ sau 23h âm thầm hủy hoại cơ thể ra sao?

11/07 22:22
 

Thói quen ngủ muộn sau 23h đêm làm rối loạn đồng hồ sinh học, tăng nguy cơ trầm cảm, giảm trí nhớ và bệnh tim mạch, gây rối loạn chuyển hóa, đẩy nhanh lão hóa da và tóc.

1. Đồng hồ sinh học bị rối loạn - ảnh hưởng toàn hệ thống

Cơ thể người hoạt động theo đồng hồ sinh học (circadian rhythm), kiểm soát chu kỳ ngủ - thức, tiết hormone, nhiệt độ cơ thể...

Theo nghiên cứu Circadian Rhythms and Health của Đại học Harvard (Harvard Medical School), rối loạn đồng hồ sinh học có thể dẫn đến viêm mãn tính, tăng đường huyết và rối loạn chuyển hóa.

Sau 23h, cơ thể bước vào "chế độ phục hồi". Thức khuya khiến gan, tim, não không được nghỉ ngơi đúng thời điểm, làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào.

2. Tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, suy giảm trí nhớ

Một nghiên cứu của Đại học Colorado Boulder được thực hiện năm 2021 trên hơn 800.000 người cho thấy chỉ cần đi ngủ sớm hơn một tiếng đã giúp giảm nguy cơ trầm cảm đến 23%.

Người hay ngủ muộn có xu hướng tiết melatonin muộn hơn, ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu - là giai đoạn tái tạo tế bào thần kinh. Thức khuya kéo dài còn làm tăng nồng độ cortisol (hormone stress), làm tổn hại vùng hồi hải mã (hippocampus) - trung tâm ghi nhớ trong não.

3. Tăng nguy cơ bệnh tim mạch

Sau 6 năm theo dõi trên 88.000 người, các tác giả của Sleep Onset Time and Cardiovascular Disease, một nghiên cứu lớn được công bố năm 2021 trên European Heart Journal, cho biết những người đi ngủ sau 23h có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 12% so với nhóm ngủ từ 22-23h.

Nguyên nhân do thức khuya gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp ban đêm và giảm khả năng phục hồi mạch máu.

4. Rối loạn chuyển hóa - dễ béo phì, tiểu đường

Tạp chí Obesity Journal năm 2009 từng trích dẫn nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ), cho thấy người thường xuyên ngủ muộn (sau 23h) có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt và béo vào ban đêm, khiến lượng insulin tăng cao, dễ gây kháng insulin và tiểu đường type 2.

Thiếu ngủ sâu còn làm giảm leptin (hormone tạo cảm giác no) và tăng ghrelin (hormone kích thích đói)

5. Đẩy nhanh lão hóa da, tóc

Theo Tạp chí Nghiên cứu Da liễu lâm sàng và Thực nghiệm, giấc ngủ sâu trước nửa đêm là thời điểm cơ thể sản sinh mạnh collagen và hormone tăng trưởng - cần thiết cho tái tạo làn da, mái tóc. Thói quen ngủ sau 23h làm gián đoạn quá trình này, dẫn đến da xỉn màu, dễ nổi mụn, tóc khô gãy, thậm chí rụng nhiều.

Hướng Dương

Đọc bài gốc tại đây.