Những ‘kiến trúc sư’ bền đam mê tạo lập không gian đặc biệt

19/01 15:45
 

TPO - Một người tạo lập không gian truyền đạt tri thức và tâm hồn; một người dấn thân với những thuật toán dòng lệnh công nghệ thông tin mang đến sự an toàn cho cộng đồng trên không gian số. Cả hai đã và đang bền bỉ trên hành trình đam mê và cống hiến.

Không gian lĩnh hội tri thức

Người tạo lập không gian truyền đạt tri thức và tâm hồn ấy không hề xa lạ với cộng đồng khi nhắc đến lớp học đặc biệt “5 không” hay “Ngọc Tâm Thuỷ Tinh” – Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990, ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, Nam Định). Vóc dáng bé nhỏ trên chiếc xe lăn, nụ cười rạng rỡ và cách trò chuyện giàu năng lượng tích cực là hình ảnh quen thuộc của Tâm.

Tâm mắc bệnh xương thuỷ tinh, vì điều kiện sức khoẻ chỉ học đến lớp 9, nhưng niềm khao khát đến trường và ước mơ làm cô giáo luôn cháy bỏng. Cô kiên định “không đến trường không có nghĩa dừng học; không thể trở thành cô giáo thực sự vẫn có thể giúp những người khác học tập, tiếp cận tri thức”.

Nguyễn Thị Ngọc Tâm (bên phải ảnh) bền bỉ 21 năm với lớp học kèm cho học sinh tại địa phương. Ảnh: Trọng Tài

Năm 2004, Tâm bắt đầu dạy kèm cho các em cùng xã Yên Quang, rồi mở rộng thêm các em ở những xã lân cận. Không gian của lớp dần mở rộng, từ xung quanh chiếc giường của Tâm ra khắp phòng khách, sau này mới có một phòng riêng 10m2. Nhiều đợt học sinh đến học kín cả phòng, phải chia lớp. Tâm thầm ước "căn phòng giống chiếc túi thần kỳ không đáy của nhân vật hoạt hình Doreamon chứa đủ hết các em, có thiết bị đầy đủ hơn".

Để hướng dẫn, kèm được các em, Tâm tự bổ sung kiến thức, kỹ năng sư phạm và thường xuyên cập nhật thông tin giáo dục, tìm hiểu những thay đổi, cải cách trong chương trình phổ thông; mua thêm máy tính cá nhân, máy in… phục vụ cho việc dạy và học.

Tâm cho biết, hiện lớp dạy kèm có 20 học sinh. Để duy trì lớp học 21 năm qua bên cạnh rất nhiều niềm vui cũng có rất nhiều thách thức, khó khăn. Trang thiết bị học tập chủ yếu được gia đình Tâm tự túc; những phần thưởng cho học sinh đều đến từ nhuận bút, giải thưởng cá nhân, và sự hỗ trợ từ gia đình.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ việc mọi người biết đến lớp học của mình và có đông học sinh đến lớp là áp lực. Điều đó phần nào khẳng định rằng tình yêu thương niềm tin của các bậc phụ huynh của các em học sinh và mọi người dành cho lớp học Ngọc Tâm thuỷ tinh ngày một lớn hơn”, Tâm nói.

Với những đóng góp trong hoạt động tình nguyện, Ngọc Tâm đã nhận được nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia; giải thưởng Thanh niên sống đẹp; Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022…

Ngọc Tâm cho biết rất ấn tượng khi Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam với sự đồng hành, tài trợ của Tân Hiệp Phát, tổ chức giải thưởng Bền Đam Mê, gắn với nhiều lĩnh vực: Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao, Kinh doanh – khởi nghiệp, Hoạt động xã hội. Giải thưởng sẽ góp phần động viên, khích lệ và trao cơ hội thúc đẩy cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu cho đam mê, ước mơ của mình.

Không gian mạng an toàn

Đại uý Lê Thế Văn (SN 1989) đang công tác tại phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Anh Văn yêu thích ngành công nghệ thông tin từ những năm học phổ thông khi theo dõi các thông tin, chương trình và cuộc thi công nghệ, kỹ thuật trên báo đài và truyền hình. Anh đã thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học đúng thời điểm Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành an ninh mạng, anh Văn nộp hồ sơ thi tuyển và trúng tuyển, trở thành chiến sĩ an ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đến nay đã 12 năm, anh Văn gắn bó với công việc đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng và đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Anh đã tham gia nhiều chuyên án, trực tiếp tham gia đấu tranh với nhiều đối tượng có hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm lợi ích của các cá nhân, tổ chức.

Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, như: Nghiên cứu, phát triển hệ thống dữ liệu người dùng mạng xã hội sử dụng tiếng Việt phục vụ đảm bảo an ninh quốc gia; Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu trinh sát phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng an ninh mạng.

Đại uý Lê Thế Văn tại chương trình họp báo công bố giải thưởng Bền Đam Mê. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Anh Văn chia sẻ, theo học ngành công nghệ thông tin ở trường đại học, nhất là khi công tác tại đơn vị, việc tự học hỏi rèn luyện và thường xuyên cập nhật, trau dồi thông tin, kiến thức và kỹ năng là đòi hỏi bắt buộc.

Công nghệ càng phát triển, các đối tượng sử dụng công nghệ để phạm tội như lừa đảo, truyền bá văn hoá, luận điệu sai trái… càng tinh vi phức tạp, với nhiều hình thức khác nhau. Để xử lý các vụ việc và nguy cơ, anh và đồng đội phải xử lý ngay và bền bỉ, bất kể ngày đêm bởi trên không gian mạng, đối tượng có thể xóa mất chứng cứ.

“Chúng tôi luôn cần bền bỉ học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, bởi chỉ sao nhãng một thời gian sẽ bị tụt hậu, bỏ lại phía sau”, anh Văn nói.

Với những đóng góp trong lĩnh vực an ninh mạng, Đại úy Lê Thế Văn vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

Đại úy Lê Thế Văn bày tỏ ấn tượng với giải thưởng Bền Đam Mê, bởi đây không chỉ là sự quan tâm, khích lệ mà còn là sự ghi nhận, động lực để các bạn trẻ tiếp tục phấn đấu, kiên trì nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ, đam mê của mình.

Đọc bài gốc tại đây.