TPO - "Sau những tháng ngày học tập miệt mài trên giảng đường đại học, tôi trở về quê để đúc kết lại những kiến thức mình đã học cũng như tập quen với môi trường giảng dạy ở quê. Cầm tấm bằng đại học trên tay, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì giờ đây tôi có thể thực hiện ước mơ của mình, có thể bắt đầu hành trình truyền tải kiến thức, cõng chữ về làng". Đó là chia sẻ của thầy giáo trẻ người Cơ Tu Bnướch Zói.
Hai thầy giáo Bnướch Zói và Trần Đình Phương cùng thế hệ 9X nhiều năm liền gắn bó với miền biên viễn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa dạy chữ vừa động viên học sinh đi học, cũng như đóng góp sáng kiến nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh công tác chuyên môn giảng dạy, hai thầy còn đảm nhiệm vai trò ở nhà trường.
Họ là hai trong số 58 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Thầy giáo trẻ Cơ Tu "cõng" chữ về làng
Thầy giáo Bnướch Zói (SN 1990, dân tộc Cơ Tu) đang dạy học kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường PTDTBT Tiểu học xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Thầy Zói là con út trong gia đình 7 anh em ở xã Dang. Từ năm lớp 6, thầy phải xa gia đình, đi học nội trú ở huyện.
Thầy Zói kể: "Nhà tôi cách trung tâm huyện gần 16km, đường đất đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Tôi phải đi bộ tới trường, mỗi lần đi phải mất cả ngày đường. Rồi nỗi xa quê, nhớ bố mẹ... Năm tôi học lớp 8, bố mất, gia đình càng khó khăn hơn. Cả nhà phải sống dựa vào mẹ già, chủ yếu làm nương rẫy, anh em đùm bọc nhau mà sống. Tuy khó khăn, nhưng gia đình chúng tôi lại có tính hiếu học, và nhận thức việc học mới đem lại tia sáng về tương lai".
Thầy giáo kiêm Tổng Phụ trách Đội - Bnướch Zói nhiều năm liền chuyển tải kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Ảnh: NVCC |
Thấm được cái khổ, khó khăn của đói nghèo và nhận được sự dạy bảo tận tình của thầy cô, chàng trai Cơ Tu ấy đã nỗ lực học tập, thi đỗ đại học và hiện thực hóa giấc mơ theo nghề giáo. Năm 2015, thầy Zói "vui không thể tả xiết" khi được phân công về giảng dạy tại chính bản làng của mình, trường PTDTBT TH&THCS xã Dang.
Từ năm học 2016-2017 đến nay, thầy được tín nhiệm bắt đầu phụ trách một số nhiệm vụ trong nhà trường như giáo viên Tổng phụ trách Đội, chủ tịch Công đoàn. Với vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội trong nhà trường, phụ trách công tác thiếu nhi trong nhà trường và địa bàn dân cư, thầy Zói đã có các sáng kiến, tổ chức các hoạt động chuyển tải nhiều kỹ năng cơ bản, thiết yếu đến các em học sinh; giúp các em tự tin hòa nhập.
Hơn 8 năm gắn bó với nghề, thầy Zói cho biết, một trong những khó khăn nhất là triển khai các hoạt động phong trào cho học sinh. Bởi kỹ năng ngôn ngữ của các em hạn chế rất nhiều, các em sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau, rồi khả năng tự tin nói chuyện trước đám đông của các em chưa được hình thành, ngay cả khi giao tiếp với thầy cô các em còn rụt rè.
May mắn bản thân tôi cũng là người địa phương nên nhiều lúc triển khai tôi phải sử dụng phương pháp song ngữ để giải thích cho các em hiểu, truyền đạt cho các em những kỹ năng cơ bản nhất, nhưng cũng hạn chế vì sợ các em quen và không chịu giao tiếp bằng tiếng phổ thông, chỉ khi nào thật sự cần thiết", thầy Zói nói.
Đến nay, thầy Zói nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến hoàn thành tốt nhiệm vụ, giáo viên Tổng phụ trách Đội có thành tích xuất sắc cấp huyện. Thầy Zói được nhận nhận giấy khen vì có thành tích tiêu biểu, điển hình trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thành tích xuất sắc trong tham gia Huấn luyện học sinh cấp THCS tham gia Gameshow “Đội viên đất Quảng đa tài” do Đài phát thanh truyền hình và tỉnh Đoàn Quảng Nam tổ chức, đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Thầy Zói còn được biểu dương giáo viên Tổng Phụ trách Đội tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2018-2023 tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Quảng Nam, lần thứ VI, năm 2023.
"Cây sáng kiến" ở trường vùng biên
Thầy giáo Trần Đình Phương (SN 1991) bỏ phố ngược lên miền biên viễn A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm giáo viên dạy Toán ở Trường THCS&THPT Hồng Vân.
Thầy Phương cho biết, đây là ngôi trường ở vùng còn nhiều khó khăn với tỷ lệ đói nghèo cao, học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số. Nghèo khó ngăn bước các em đến trường, học sinh tới trường luôn trong tình trạng thiếu sách vở, quần áo, giày dép và phương tiện đi lại.
Đè nặng lên vai mỗi người giáo viên ở đây là việc vừa dạy chữ vừa phải thường xuyên vận động học sinh đi học, giữ chân các em ở lại trường", thầy Phương nói.
Hơn 6 năm gắn bó dạy học ở miền biên viễn này, thầy Phương đã cố gắng phấn đấu, học tập, đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đến nay, thầy Phương đã đóng góp nhiều sáng kiến kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán và được Hội đồng Khoa học sáng kiến cấp Sở công nhận.
Tiêu biểu, sáng kiến về sử dụng câu hỏi kết thúc mở trong dạy học chủ đề Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số; xây dựng và áp dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh lớp 12 trường THCS&THPT Hồng Vân ôn tập có hiệu quả cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia; phát triển năng lực giải quyết vấn đề thông qua chủ đề tỉ số thể tích cho học sinh DTTS lớp 12 ở trường THCS&THPT Hồng Vân; phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tế cho học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Hồng Vân thông qua dạy học chủ đề Hàm số bậc hai.
Thầy giáo Trần Đình Phương đã có nhiều sáng kiến trong phương pháp giảng dạy môn Toán. Ảnh: NVCC |
Thầy Phương còn đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi về chuyên môn, thiết kế bài giảng điện tử; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và đạt giải ở các cuộc thi Khoa học kỹ thuật như: Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế; cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp tỉnh; cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm 2022.
Cùng với công tác chuyên môn, thầy Phương với vai trò ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường đã tham mưu tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho đoàn viên; tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn trường tổ chức như: Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Chủ nhật Xanh; đồng hành cùng thanh niên trong học tập.
Đến nay, thầy Phương đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được nhận nhiều khen thưởng. Trong đó, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên- Huế tặng Bằng khen vì có thành tích trong việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2023. Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Lao động giỏi – Lao động sáng tạo giai đoạn 2018 – 2023.
Đọc bài gốc tại đây.