Cựu Cục phó của Thanh tra Chính phủ khai bị ép 'tạo điều kiện' cho Dự án Đại Ninh ‘hồi sinh’

17/01 08:09
 

TPO - Bị cáo Lê Quốc Khanh thừa nhận, việc ban hành Kết luận thanh tra 929 có kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh là hoàn toàn đúng quy định. Tuy nhiên sau này, tổ thanh tra chịu sức ép từ cấp trên buộc phải 'tạo điều kiện' cho Dự án 'hồi sinh'.

Nghĩ đơn giản là một món quà khi nhận 50 triệu đồng

Sáng nay (17/1), phiên xét xử vụ án xảy ra tại Dự án Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng), dành thời gian cho đại diện Viện Kiểm sát luận tội 10 bị cáo.

Trước đó, trong phần xét hỏi, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhóm đồng phạm đều thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn, hối lỗi.

Trong dáng vẻ yếu ớt vì bệnh tật, đứng không vững, ông Mai Tiến Dũng nghẹn giọng nói đã nhận thức sai phạm. Ông nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi Nhân dân.

Cùng ở Văn phòng Chính phủ, bị cáo Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) khai, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có tất cả 7 đơn kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ. Trong đó, 3 đơn đầu Văn phòng Chính phủ đã chuyển sang Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền. Hai đơn sau trùng nội dung nên lưu lại. Đơn thứ 6, thứ 7 do có “bút phê” của ông Mai Tiến Dũng nên đã trình Phó thủ tướng trước khi chuyển sang Thanh tra.

Khi Chủ tọa hỏi “sao hai đơn cuối không chuyển thẳng qua Thanh tra Chính phủ mà lại phải báo cáo Phó thủ tướng?" Bà Ngọc cho hay, mỗi năm Văn phòng Chính phủ nhận 20.000 - 22.000 đơn nên thông thường sẽ phân loại để chuyển theo thẩm quyền để xử lý.

Theo bà Ngọc, Phó thủ tướng là người chỉ đạo Kết luận thanh tra số 929 và theo dõi, chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Vì liên quan kết luận thanh tra, bà mới báo cáo Phó thủ tướng trước khi chuyển đơn.

Bị cáo Trần Bích Ngọc.

Bà Ngọc khai thêm, từng được ông Mai Tiến Dũng nhắn “để ý xử lý đơn kiến nghị của Sài Gòn Đại Ninh”.

Suốt quá trình tiếp nhận đơn, bà Ngọc nhớ được đại gia Nguyễn Cao Trí gọi điện giục xử lý sớm kiến nghị. Tháng 6/2021, trong một lần gặp mặt trực tiếp bà được ông Trí đưa 50 triệu đồng.

"Khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một món quà nhưng sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là sai phạm. Sai lầm này nó đã giày vò tôi rất nhiều, tôi ân hận, thấy rằng nếu mình làm cẩn thận hơn đã không có ngày hôm nay", bà Ngọc nói.

Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát quy kết bà Trần Bích Ngọc đã tham mưu, xin ý kiến và truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc chuyển đơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giải quyết phản ánh của Sài Gòn Đại Ninh. Bà liên quan hai phiếu trình, hai văn bản của Văn phòng Chính phủ trái quy định, tạo tiền đề cho thanh tra lập tổ công tác xác minh.

Nữ cán bộ còn bị cáo buộc tham mưu, đề xuất lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đồng thuận với kết luận thanh tra sửa đổi để cho gia hạn, giãn tiến độ Dự án trái pháp luật.

Chịu áp lực từ cấp trên

Tại Thanh tra Chính phủ, bị cáo Lê Quốc Khanh (lúc đó là Phó Cục trưởng Cục II, thành viên Tổ thanh tra) thẳng thắn thừa nhận, việc ban hành Kết luận thanh tra số 929, trong đó có kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh là hoàn toàn đúng quy định.

Theo ông Khanh, chính ông Trần Văn Minh (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó đã chết) đã ký và nói rằng kết luận đúng. Tuy nhiên sau này, ông Minh lại ý kiến Kết luận số 929 “còn bất cập”.

Ông Khanh khai thêm, theo quy quy định, khi có kiến nghị, khiếu nại về kết luận thanh tra thì thẩm quyền giải quyết thuộc Cục giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra. Thế nhưng chính ông Trần Văn Minh phê duyệt kế hoạch kiểm tra, xác minh, ông Khanh đã họp với các thành viên Tổ công tác (gồm bị cáo Hoàng Văn Xuân và Nguyễn Nho Định) để phổ biến kế hoạch và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Minh về việc xem xét "tạo điều kiện" cho Dự án Đại Ninh được gia hạn.

Bị cáo Lê Quốc Khanh.

Trả lời về mối liên hệ với Nguyễn Cao Trí, ông Khanh nói, cả hai trước đây không quen biết nhau. Sau khi đến Lâm Đồng, bị cáo mới biết Trí. Tại thành phố Đà Lạt, Khanh được vị đại gia cảm ơn 500 triệu, đồng thời nhờ Khanh đưa cho thành viên còn lại trong Tổ công tác 100 triệu đồng.

Bị cáo Khanh thừa nhận sai phạm, cho rằng trong quá trình ban hành lại kết luận thanh tra, ông Minh đã chỉ đạo toàn bộ kết quả điều chỉnh. Cá nhân bị cáo và Tổ công tác chịu “tác động”, phải chấp hành.

Bị cáo Hoàng Văn Xuân khai, biết đến Nguyễn Cao Trí khi thực hiện nhiệm vụ cùng tổ công tác tại Lâm Đồng. Trong quá trình đó, bản thân không gặp Trí mà nhận 100 triệu đồng từ ông Khanh đưa.

Ngoài ra, Trí cũng chỉ đạo nhân viên đưa tài liệu giải trình bổ sung của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và gửi kèm bị cáo 50 triệu đồng.

Nhóm bị cáo trong vụ án.

Còn bị cáo Nguyễn Nho Định khai nhận, trong quá trình công tác tại Lâm Đồng, bị cáo được Khanh và Xuân mỗi người đưa 20 triệu đồng. Số tiền này Định cho rằng bản thân lo thêm công tác hậu cần nên được nhận.

“Bị cáo làm công tác hậu cần là làm những gì?”, Chủ tọa truy hỏi. Ông Định nói trước khi đi công tác ông có trách nhiệm phải đăng ký phương tiện di chuyển, rồi lo ăn ở, chi phí... cho đoàn.

Đọc bài gốc tại đây.