TPO - Nếu bỏ HĐND cấp xã, sẽ giảm được 10.033 đại biểu HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách. Từ đó, tiết kiệm được phần chi ngân sách cho hoạt động của các cơ quan HĐND cấp xã và đại biểu HĐND cấp xã.
Không tổ chức HĐND tại quận và cấp xã
Bộ Nội vụ vừa có Tờ trình gửi Chính phủ Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 70 điều (giảm 73 điều so với luật hiện hành).
Bộ Nội vụ cho biết, Dự thảo luật có một số điểm mới. Ví như, quy định về tổ chức đơn vị hành chính; thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp…
Đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Dự thảo luật đề xuất:
Đối với đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị: Không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức HĐND) mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là UBND tại quận, phường, thị trấn.
Đối với ĐVHC nông thôn: Không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức HĐND) mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là UBND tại xã.
Đối với ĐVHC ở hải đảo: Các huyện đảo không tổ chức ĐVHC cấp xã trực thuộc.
Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Một kỳ họp của HĐND TP. Hà Nội |
Bỏ HĐND cấp xã là phù hợp
Trao đổi với PV Tiền Phong, về đề xuất bỏ HĐND cấp xã, ông Nguyễn Đình Nghi, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bày tỏ đồng tình với nội dung trên.
Theo ông Nghi, mới đây xã Đồng Trúc cũng tổ chức lấy ý kiến về đề xuất bỏ HĐND xã theo đề xuất của Bộ Nội vụ, kết quả 100% đại biểu HĐND xã đồng ý.
Ông Nghi cho rằng, HĐND cấp xã hiện nay, đa số đại biểu là kiêm nhiệm, hơn nữa trình độ chuyên môn còn hạn chế. Trong khi đó, tại cấp xã, chức năng giám sát của HĐND còn hạn chế.
Ví như, tại xã Đồng Trúc, HĐND xã hiện có 22 đại biểu. Tuy nhiên, chỉ có một chức danh Phó Chủ tịch HĐND xã là chuyên trách, còn hầu hết là đại biểu không chuyên trách, lãnh đạo các thôn.
“HĐND xã thực hiện theo chỉ tiêu, nghị quyết được giao hằng năm. Còn các dự án, chủ trương đầu tư do HĐND cấp huyện quyết. Do đó, việc bỏ HĐND xã là hợp lý”, ông Nguyễn Đình Nghi chia sẻ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND một xã tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) cho rằng, hoạt động của HĐND xã hiện nay không hiệu quả.
Theo vị lãnh đạo này, mỗi năm ngân sách phải chi khá nhiều để duy trì HĐND xã. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành, đại biểu HĐND xã được cũng được hệ số 0,3 mức lương cơ sở, tương đương 702.000 đồng/tháng. "Nếu bỏ HĐND xã thì mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng để dành cho đầu tư phát triển", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho rằng, theo mô hình chính quyền đô thị thì Hà Nội đã bỏ HĐND cấp phường từ lâu.
Theo ông Hưng, việc không tổ chức HĐND cấp phường cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của phường Yên Hòa. Thậm chí, một số nội dung còn được triển khai nhanh hơn.
Trong khi đó, một đại biểu HĐND huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho rằng, việc bỏ HĐND cấp xã, thậm chí là cấp huyện là hợp lý.
Vị đại biểu này cho rằng, hoạt động của HĐND cấp xã, thậm chí cấp huyện hiện nay có nhiều chồng chéo. Ví như, một đề án, dự án thì UBND nghiên cứu, trình để HĐND họp xem xét, thẩm định rồi lại giao UBND thực hiện.
Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể:
1. Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị không tổ chức HĐND tại quận, xã, phường, thị trấn; các ĐVHC khác (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Loại ý kiến này cơ bản kế thừa mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh (không tổ chức HĐND tại quận, phường) và thực hiện chủ trương của Đảng về giảm cấp chính quyền địa phương (giảm toàn bộ cấp chính quyền địa phương cấp xã).
2. Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không tổ chức HĐND tại huyện, quận, phường; các ĐVHC khác (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn) tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Loại ý kiến này cơ bản kế thừa mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh (không tổ chức HĐND tại quận, phường) và kế thừa kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố (với 67 huyện, 32 quận, 483 phường) giai đoạn 2009 - 2015 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội.
3. Qua đánh giá tác động, Bộ Nội vụ thấy rằng, việc thực hiện mô hình tổ chức theo loại ý kiến thứ nhất phù hợp với chủ trương của Đảng về:
- Phân biệt mô hình chính quyền địa phương ở địa bàn đô thị, nông thôn (ở ĐVHC thuần đô thị tổ chức 1 cấp chính quyền và 02 cấp hành chính; ở ĐVHC thuần nông thôn hoặc xen lẫn đô thị và nông thôn thì tổ chức 02 cấp chính quyền và 03 cấp hành chính);
- Giảm cấp chính quyền địa phương cấp xã.
- Phù hợp với quan điểm về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, cấp xã là cấp tổ chức thực thi, không ban hành chủ trương, chính sách, biện pháp. Do vậy, không tổ chức HĐND.
- Việc thực hiện theo loại ý kiến này cũng bảo đảm tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, tại ĐVHC cơ sở (cấp xã) người dân tăng cường thực hiện dân chủ trực tiếp (trực tiếp đối thoại, phản ánh, kiến nghị với UBND cấp xã) mà không cần thông qua cơ quan đại diện; rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền địa phương ở cơ sở.
- Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các địa phương thăm dò ý kiến của HĐND, UBND tại tất cả các xã, thị trấn.
Từ những lý do nêu trên, Bộ Nội vụ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất và dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến này. Nếu thực hiện theo loại ý kiến này, dự kiến giảm được 10.033 đại biểu HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách. Từ đó, tiết kiệm được phần chi ngân sách cho hoạt động của các cơ quan HĐND cấp xã và đại biểu HĐND cấp xã.
Đọc bài gốc tại đây.