Học giả Nga khẳng định: "Chỉ duy nhất Việt Nam thay đổi được biên giới tại một trong những mặt trận nóng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ có Việt Nam thống nhất được đất nước vào năm 1975."
Chỉ duy nhất Việt Nam thay đổi được biên giới tại một trong những mặt trận nóng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ có Việt Nam thống nhất được đất nước vào năm 1975.
Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học lịch sử Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia Saint Petersburg, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025).
Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, chiến thắng lịch sử đó mang tầm vóc thời đại khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ đã đi đầu các lực lượng tiến bộ của nhân loại, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, giành được chiến thắng vang dội vào ngày 30/4/1975.
Trong 50 năm qua, vượt qua những khó khăn, hậu quả của nhiều thập kỷ bị chia cắt rồi thống nhất hai miền thành một thể thống nhất, Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới và hội nhập khu vực, Việt Nam đã đóng góp vào việc giảm các mối đe dọa đối với an ninh khu vực Đông Nam Á và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân.
Trong những thập kỷ qua, nước Việt Nam thống nhất đã gia tăng đáng kể uy tín quốc tế, trở thành thành viên được đánh giá cao tại các thể chế đa phương như Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là những thành tựu không thể phủ nhận trong 50 năm qua của Việt Nam.
Giáo sư Vladimir Kolotov nhấn mạnh vai trò to lớn trong chiến thắng đó trước hết thuộc về vị lãnh tụ dân tộc, người anh hùng của phong trào giải phóng dân tộc - Hồ Chí Minh, người đã có công to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến lược và chiến thuật mà Chủ tịch Hồ Chủ tịch phát triển đã giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu to lớn với nguồn lực rất khiêm tốn, bất chấp vô vàn khó khăn. Các quốc gia khác trong khu vực có nhiều nguồn lực hơn nhưng không thể đạt được kết quả tương tự.
Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới vẫn nỗ lực nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm thành công của Việt Nam để cố gắng áp dụng vào cuộc đấu tranh của mình.
Sự ủng hộ quý báu của quốc tế cũng là một sức mạnh mà Việt Nam có được để giành thắng lợi cuối cùng.
Bản thân Giáo sư nhớ rõ phong trào đoàn kết với Việt Nam phát triển rộng khắp ở Liên Xô thời bấy giờ và đến ngày nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định sự ủng hộ của Liên Xô là yếu tố mạnh mẽ giúp củng cố đáng kể vị thế của Việt Nam trên chiến trường cũng như trên trường quốc tế.
Dành nhiều năm nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam, Giáo sư Vladimir Kolotov chia sẻ rằng “cuộc chiến” đó đã “tặng” ông một người bạn đáng quý, người mà cả nước Việt Nam biết đến với cái tên Nguyễn Văn Lập.
Hai người tình cờ biết nhau khi cùng dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Việt Nam thống nhất đất nước và trở thành bạn bè.
Nguyễn Văn Lập là người Hy Lạp, ông là cựu binh của binh đoàn Lê dương thuộc Lục quân Pháp bị lừa sang Đông Dương để giải giáp quân Nhật và bị buộc phải chiến đấu chống lại phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Khi hiểu được bản chất chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ông đã cầm vũ khí đứng về phía Việt Minh, chiến đấu chống lại thực dân.
Những hồi ký của vị cựu binh già phản chiến, cũng như của các học giả Việt Nam, các chính khách từng đi qua cuộc chiến đã rất hữu ích cho nghiên cứu và giúp nhà nghiên cứu người Nga hiểu sâu sắc rằng chính những hồi ức của những nhân chứng sống đã đóng góp vô giá vào việc ngăn ngừa các cuộc chiến tranh mới, chống lại chủ nghĩa xét lại lịch sử và lan toả sự thật đến mọi người về những gì thực sự đã xảy ra.
Hiện nay, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và uy tín quốc tế cao. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, ngoài sức ép về quân sự, vũ lực, còn có cả sức ép về tài chính, kinh tế và khoa học kỹ thuật, vũ trụ, không gian mạng...
Theo Giáo sư, việc đánh giá thấp những mối đe dọa mới sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Bài học từ cuộc chiến đã qua cũng cho thấy muốn ngăn chặn hiệu quả một mối đe doạ, trước hết phải đánh giá đúng mức độ và bản chất của mối đe doạ đó.
Chỉ có năng lực, nhân sự có trình độ và quyết tâm mới có thể làm giảm tác động tiêu cực của những mối đe doạ đối với nhà nước và xã hội, Giáo sư Kolotov kết luận./.
Đọc bài gốc tại đây.