Bộ Nội vụ đề xuất một số tỉnh thành có thể giữ sở đặc thù khi tinh gọn bộ máy, dựa trên các điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Bộ Nội vụ vừa gửi Chính phủ tờ trình dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.
Bộ đề xuất Hà Nội, TP HCM có thể duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tham mưu thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Nếu hai thành phố không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất địa phương có cửa khẩu quốc tế đường bộ, hàng không, cảng biển quốc tế và có 500 dự án đầu tư nước ngoài sẽ được duy trì Sở Ngoại vụ. Nơi nào không tổ chức riêng thì sáp nhập, chuyển chức năng này về Văn phòng UBND tỉnh.
Tỉnh có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung, 5.000 người dân tộc thiểu số cần Nhà nước giúp đỡ hoặc có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng, sẽ được lập Sở Dân tộc và Tôn giáo. Nơi nào không lập Sở này thì chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Nội vụ.
Địa phương có di sản văn hóa được UNESCO ghi danh hoặc tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội, ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn đóng góp 10% GDP tỉnh trong 5 năm liên tục, sẽ được lập Sở Du lịch. Nơi không thành lập sẽ sáp nhập về Sở Văn hóa Thể thao và đổi tên thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tương ứng với kế hoạch tinh gọn bộ ngành trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức 12 đơn vị cấp sở thống nhất ở các địa phương.
Cụ thể, Sở Nội vụ quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, lao động, tiền lương, việc làm, cải cách hành chính.
Sở Tư pháp quản lý về xây dựng và thi hành pháp luật, giáo dục pháp luật, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch.
Sở Tài chính quản lý về tài chính, ngân sách, thuế, phí, lệ phí, thu ngân sách, kế toán, kiểm toán độc lập, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn viện trợ phi chính phủ.
Sở Công Thương quản lý về cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu.
Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý đất đai, nước, khoáng sản, địa chất, chất thải rắn, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Sở Xây dựng quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc, phát triển đô thị, hạ tầng, công viên, chiếu sáng, nhà ở, thị trường bất động sản, giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, an toàn giao thông.
Sở Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin (không bao gồm an toàn thông tin, an ninh mạng); giao dịch điện tử; chuyển đổi số; hạ tầng thông tin truyền thông.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch, báo chí, xuất bản, in phát hành, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, quảng cáo.
Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; nhà giáo và công chức, viên chức quản lý giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ.
Sở Y tế quản lý về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội (không bao gồm cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy); quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Thanh tra tỉnh quản lý công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân.
Văn phòng UBND tham mưu về chương trình, kế hoạch của UBND, chủ tịch tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính.
Riêng Hà Nội và TP HCM được tổ chức 15 sở (chưa tính số sở tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và sở được thí điểm thành lập). Hai thành phố được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất sở, đảm bảo phù hợp với đặc thù và không vượt quy định.
Các địa phương khác được tổ chức không quá 13 sở, riêng cấp tỉnh loại một có lĩnh vực đặc thù thì không quá 14 sở.
Đọc bài gốc tại đây.