Hơn 50 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ công an 10 tỉnh, thành phố tham gia lớp huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ của Bộ Công an.
7h sáng, Đại úy Phạm Trương Tuấn Anh khẩn trương mặc bộ quần áo và thiết bị chuyên dụng kèm theo nặng gần 20 kg, rồi nhanh chóng di chuyển vào sân tập. Bộ quần áo với 3 lớp giúp cách nhiệt, chống thấm nước, kèm theo mặt nạ phòng độc cách ly là những thiết bị chuyên dụng trong quá trình trực tiếp chiến đấu của cảnh sát PCCC & CNCH.
Cách đó không xa, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo - đồng đội của anh, cũng bắt nhịp với các bài khởi động làm nóng cơ thể, sẵn sàng cho nhiệm vụ buổi sáng. Hà Nội những ngày giữa đông, mặt trời chưa rạng hẳn khiến cái rét buổi sáng thêm tê tái. Từng cơn gió như thêm phần thử thách những người lính đến từ phương nam.
Từ giữa tháng 1-2025, 52 cán bộ, chiến sĩ thuốc các Tổ Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ được lựa chọn từ Công an 10 tỉnh, thành phố bắt đầu tham gia khóa Huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ.
Lớp học đào tạo lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ"
Các học viên trước khi thực hành - Ảnh: NAM TRẦN
Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an những ngày gần Tết Ất Tỵ. Đúng 7h30, 52 cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành bài khởi động và sẵn sàng tại khu vực tập luyện.
"Các đồng chí chia làm 2 nhóm", thiếu tá Vũ Duy Hưng (cán bộ trung tâm), ra hiệu lệnh dứt khoát. Theo phổ biến của chỉ huy buổi huấn luyện, nhiệm vụ của họ là trực tiếp dập lửa, tìm kiếm, cứu nạn trong các tình huống: cháy nhà liên kế, cháy xe bồn, cứu người bị nạn dưới hố sâu, nạn nhân mắc kẹt trên tầng cao…
Trong 10 ngày giữa tháng 1, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ năm 2024 (đợt 2). Trong đó lớp huấn luyện cho tổ đặc biệt tinh nhuệ trên cạn tổ chức tại Hà Nội.
Đại úy Bùi Nguyên Nghị (cán bộ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an - giảng viên lớp huấn luyện), cho biết các cán bộ, chiến sĩ được công an 10 tỉnh, thành phố lựa chọn phải đảm bảo có sức khỏe và nghiệp vụ rất tốt.
Hàng năm, các nội dung kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đạt loại giỏi.
Trong khóa huấn luyện này, các học viên sẽ được giáo viên, chuyên gia trong nước và quốc tế truyền đạt các nội dung chuyên sâu về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mục tiêu là nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật khi xảy ra một số loại hình cháy, nổ sự cố, tai nạn đặc thù, đặc biệt phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ cũng được huấn luyện nâng cao thể lực, hiểu sâu hơn về nhiệm vụ, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động chiến đấu của lực lượng cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ.
Cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn kỹ lưỡng trước khi tham gia vào lực lượng cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ - Ảnh: NAM TRẦN
Những tình huống khi người bị nạn mắc kẹt
Đặc thù địa phương vùng cao, mật độ dân cư không lớn, số vụ cháy không nhiều, nhưng thượng úy Nguyễn Đình Phú (Công an tỉnh Sơn La) cho biết yêu cầu về công tác cứu nạn tại hang, hầm, hố sâu lại đặt ra nhiều yêu cầu nặng nề.
Anh vẫn nhớ rõ từng chi tiết về vụ giải cứu 4 người mắc kẹt trong hang Núi Hài (Chiềng An, Sơn La) cách đây chừng 5 năm vào một chiều tháng 3.
Độ cao từ mặt đất lên đến cửa hang gần 300m, khu vực này vách núi thẳng đứng, trơn trượt. Sau nhiều giờ tiếp cận, triển khai các phương án, lực lượng chức năng đã giải cứu 4 người dân xuống đất an toàn.
Đây cũng chính là một trong những nội dung được thiếu tá Vũ Duy Hưng truyền đạt tới các học viên trong buổi huẩn luyện.
Tình huống giả định đặt ra là cứu người bị nạn mắc kẹt trên cao và dưới vách hang sâu. Địa hình cũng được đặt ra 2 tình huống: Có điểm neo để thiết lập hệ ròng rọc và không có điểm neo phải sử dụng cẩu xe cứu nạn cứu hộ.
Thiết bị ròng rọc đơn và ròng rọc đôi được sử dụng cứu người kẹt dưới hang sâu. Hình nộm thực hành có cân nặng khoảng 60kg tương đương một người trưởng thành - Ảnh: NAM TRẦN
"Hà Nội với nhiều nhà cao tầng, có những trường hợp thợ sơn hoặc nhân viên sửa chữa điều hòa, thi công lắp đặt kính mắc kẹt, chúng tôi thường phải tiếp cận để giải cứu", đại úy Phạm Trương Tuấn Anh (Công an Hà Nội) nói, sau khi anh hoàn thành bài thực hành cứu nạn.
Tình huống giả định một nạn nhân kẹt ở trên cao. Cảnh sát sau đó tiếp cận bằng thiết bị chuyên dụng rồi đưa nạn nhân tiếp đất an toàn - Ảnh: NAM TRẦN
Quyết liệt dập lửa
Hơn 22 năm công tác trong lực lượng, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo (Phòng Cảnh sát PCCC & cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM) cho biết anh đã chứng kiến gần như toàn bộ những vụ hỏa hoạn lớn, nhỏ tại thành phố lớn nhất cả nước.
Luôn tâm niệm "tính mạng người dân là trên hết", thiếu tá Đạo luôn tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn qua từng lần huấn luyện. Để trong thực tế chiến đấu, anh có thể cứu nạn nhanh nhất có thể.
Với đặc thù đô thị có mật độ dân số rất cao, các vụ cháy xảy ra tại TP.HCM luôn tiềm ẩn nguy cơ người mắc kẹt không có lối thoát, cháy lan…
Bộ đồ bảo hộ cùng bộ mặt nạ phòng độc cách ly được trang bị cho lực lượng trực tiếp tấn công, dập tắt đám cháy - Ảnh: NAM TRẦN
Đối với tình huống chữa cháy nhà liên kế, các chiến sĩ luôn cẩn trọng trong việc mở cửa để tránh oxy được cung cấp một cách đột ngột, sự cháy sẽ xảy ra cực nhanh, tạo ra hiện tượng ngọn lửa phóng ra ngoài - Ảnh: NAM TRẦN
"Mỗi khi lao vào đám cháy, chúng tôi luôn cẩn trọng và quyết liệt, mục tiêu đầu tiên luôn là tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng đưa người mắc kẹt ra ngoài", thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo nói. Anh đồng thời cho biết thời tiết miền Bắc những ngày đỉnh điểm giá rét là thách thức đầu tiên đối với người lính từ phương nam trong quá trình tham gia lớp huấn luyện.
Cửa mở, các tia nước mạnh sau đó được phun lên trần nhà để các cấu kiện đã hư hỏng sẽ rơi xuống, tránh việc khi chiến sĩ tiếp cận vào trong bị rơi trúng - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi vào trong, nhiệm vụ đầu tiên là tìm kiếm những người mắc kẹt, sau đó sẽ triển khai đội hình tấn công, dập tắt ngọn lửa. Nhiệt độ cao và khói dày đặc là thách thức đối với họ - Ảnh: NAM TRẦN
Chiến sĩ Nguyễn Công Hiệp (Phòng Cảnh sát PCCC & cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Thái Nguyên), kể lại từ trong lớp đồ bảo hộ, anh cảm nhận rõ sức nóng của đám cháy và lượng khói tỏa ra dày đặc che phủ tầm nhìn.
"Nếu không có đồ bảo hộ, nước phun lên trần nhà rơi xuống, chiến sĩ có thể bị bỏng bởi nhiệt lượng từ hỏa hoạn tỏa ra rất lớn", anh Hiệp cho hay.
Mặc bộ đồ bảo hộ và bình khí mặt nạ phòng độc cách ly nặng tới 20kg, từng tốp cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu với ngọn lửa trong tình huống giả định.
Ở tình huống thứ 2, chiếc xe bồn chở xăng gặp tai nạn dẫn đến xăng chảy tràn ra ngoài, gây chán lan - Ảnh: NAM TRẦN
Lúc này, chỉ huy chữa cháy sẽ cần nhanh chóng tính toán diện tích đám cháy có thể lan ra. Do xăng là chất cháy có tính đặc thù, việc dập lửa sẽ cần đến lượng lớn bọt - Ảnh: NAM TRẦN
Các mũi tấn công bằng nước sau đó cũng được sử dụng từ nhiều hướng - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Cục Cảnh sát PCCC & cứu nạn, cứu hộ, lực lượng cảnh sát chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ được thí điểm thành lập tại 10 công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu đặt ra là lựa chọn, bồi dưỡng tinh nhuệ, đi đầu trong việc chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trong các vụ cháy trên cạn và cả dưới nước. Lực lượng này không chỉ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương mà còn là lực lượng nòng cốt tham gia làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ quốc tế.
Những người lính chữa cháy kết thúc buổi thực hành diễn tập - Ảnh: NAM TRẦN
Đọc bài gốc tại đây.