Bình Định chỉ đạo "nóng" để gỡ vướng cho tuyến quốc lộ thi công ì ạch

28/03 22:29
 

Về công tác đền bù, GPMB dự án cải tạo, nâng cấp QL19 nối Bình Định - Gia Lai, đoạn qua huyện Tây Sơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu...

Về công tác đền bù, GPMB dự án cải tạo, nâng cấp QL19 nối Bình Định - Gia Lai, đoạn qua huyện Tây Sơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu địa phương này giải quyết dứt điểm các vướng mắc trước 15.4, nếu còn chậm trễ thì tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ bị xử lý.

Ngày 28.3, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh, UBND huyện Tây Sơn và Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) về việc tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn qua huyện Tây Sơn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Tây Sơn tập trung điều hành quyết liệt, hiệu quả đối với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện dứt điểm công tác bồi thường GPMB dự án, để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, chậm nhất đến ngày 15.4.2024.

Trường hợp GPMB tiếp tục chậm trễ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Theo tìm hiểu của Lao Động, khu vực ảnh hưởng dự án đoạn qua cầu Ba La (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) vẫn còn hàng chục hộ dân đang khiếu nại để đòi quyền lợi. Trong đó, có 7 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng vẫn chưa đạt thỏa thuận bồi thường để dời đến nơi ở mới.

Thông tin với báo chí, một lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn - cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp QL19 qua địa phương có 1.374 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, vướng nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng ven khu vực cầu Ba La.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, trong số 7 hộ dân bị giải tỏa trắng, có 5 hộ đồng ý di dời, 2 hộ không đồng ý. Ngoài ra, còn khoảng 10 hộ có đơn khiếu nại yêu cầu làm đường gom và hỗ trợ nâng nền. Trong số các hộ đang đòi quyền lợi, có trường hợp là đất lấn chiếm, nằm trong hành lang đường và dòng chảy nên không được cấp sổ đỏ, không được đền bù.

Yêu cầu của người dân về hỗ trợ kinh phí nâng nền nhà không nằm trong chính sách dự án của tỉnh. Trong khi đó, dự án sử dụng vốn WB nên các yêu cầu phát sinh của người dân cần xin ý kiến của Ngân hàng Thế giới.

Phía Ngân hàng Thế giới chỉ chấp thuận đầu tư đường gom ven tuyến để người dân thuận tiện đi lại và hỗ trợ thêm 40% đất cho người dân. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không đồng tình, tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên tỉnh.

"Địa phương đã gửi đơn giá, chính sách hỗ trợ, bồi thường lên Ngân hàng Thế giới để xin ý kiến, tuy nhiên, vẫn chưa nhận được phản hồi. Sắp tới, huyện sẽ đối thoại với từng hộ dân, tìm đồng thuận để bàn giao dứt điểm mặt bằng", vị này thông tin.

Như Báo Lao Động đã phản ánh ngày 4.2.2023, từ trước Tết đến nay, hàng chục hộ dân sống tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn phản ứng gay gắt khi nền đường QL19 trong dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cao hơn nền nhà. Việc thi công dự án gây nứt nhà dân, bụi bặm, đảo lộn cuộc sống người dân.

Đến gần 1 năm sau, dự án này vẫn tiếp tục vướng mắc trong công tác đền bù GPMB. Và đầu năm 2024, đích thân Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đến kiểm tra hiện trường, gặp gỡ trực tiếp các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, nhằm tháo gỡ khó khăn.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công với chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện dự án chưa tốt. Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Bình Định xem xét hỗ trợ người dân tối thiểu là bằng hoặc tốt hơn để người dân yên tâm di dời, gỡ vướng cho dự án.

Đọc bài gốc tại đây.