Bí thư Đà Nẵng nói về mô hình chính quyền đô thị tinh gọn

25/04 21:59
 

TPO - "Cùng với Hà Nội và TPHCM, tới đây nếu được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có mô hình chính quyền đô thị với cấp quận, phường không có HĐND và bộ máy sẽ được tinh gọn hơn", ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho hay.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, từ ngày 24-25/4, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã có các cuộc tiếp xúc cử tri các quận, huyện trên địa bàn. Tiếp thu và trả lời các ý kiến của cử tri về định hướng phát triển TP. Đà Nẵng trong thời gian đến, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã thông tin một số nội dung đã được Bộ Chính trị thống nhất và cho ý kiến.

Nhiều khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền

Ông Quảng cho biết, thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Việc sơ kết sẽ làm cơ sở về mặt chính trị để xem xét sửa đổi Nghị quyết 119 của Quốc hội về điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Trên cơ sở kết quả sơ kết, vừa qua, Bộ Chính trị đã nghe Ban Kinh tế Trung ương và TP. Đà Nẵng báo cáo kết quả. Bộ Chính trị đã thống nhất cao, đồng thời đánh giá và ghi nhận những kết quả mà TP. Đà Nẵng đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Đà Nẵng - trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: BĐN.

Bí thư Đà Nẵng cho biết, Bộ Chính trị cũng đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố triển khai thực hiện trong những năm đầu của nhiệm kỳ (2020-2025) với những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ, đó là đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết đã đề ra.

Bộ Chính trị cũng đánh giá mặc dù Nghị quyết 43 ban hành nhưng sự quan tâm để có những cơ chế chính sách đột phá để thực hiện các mục tiêu, giải pháp là chưa đủ. Trong khi đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đà Nẵng phải giải quyết nhiều hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án.

"Các khó khăn vướng mắc chậm được giải quyết, khắc phục. Nhiều nội dung vượt thẩm quyền của thành phố, nên nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, nhiều công trình dự án chậm đưa vào sử dụng, chậm hoàn thiện, gây ra lãng phí. Đây là một trong những việc Bộ Chính trị đã ghi nhận và đánh giá. Hiện nay, Bộ Chính trị đang cho chủ trương đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương trong đó có Đà Nẵng", ông Quảng cho biết.

Cần thêm động lực mới để phát triển

Theo Bí thư Đà Nẵng, Bộ Chính trị cũng đánh giá về điều kiện, không gian, dư địa phát triển của Đà Nẵng đang bị hạn chế, cần phải có những động lực, phương hướng mới để phát triển. Từ đó, Bộ Chính trị đã thống nhất Ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43, trong đó có 2 nội dung lớn.

Một là cho phép Đà Nẵng chính thức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà trước đây Đà Nẵng làm thí điểm. Kèm theo đó là có một số cơ chế đảm bảo việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị triển khai có hiệu quả.

"Cùng với Hà Nội và TPHCM, tới đây nếu được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có mô hình chính quyền đô thị với cấp quận, phường không có HĐND và bộ máy sẽ được tinh gọn hơn", ông Quảng cho biết.

Đà Nẵng cần tạo thêm động lực mới để phát triển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nội dung thứ 2 mà Bộ Chính trị kết luận là phải tìm động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng với việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn.

"Đà Nẵng được xác định cái gì cũng là trung tâm, trung tâm của tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tất cả các mục tiêu này thì rất khó. Do đó, Bộ Chính trị đã đề nghị phải xác định rõ một số mục tiêu trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, có cho phép triển khai thí điểm để hình thành Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng. Đây là một điểm rất mới mà hiện nay cả nước chưa có địa phương nào thực hiện, nếu thực hiện thành công sẽ tạo ra động lực mới để Đà Nẵng phát triển", ông Quảng nói.

Bộ Chính trị cũng cho phép xây dựng các cơ chế chính sách để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm khoa học công nghệ cao của cả nước mà trước mắt tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và một số ngành lĩnh vực theo xu thế có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn vào thành phố. Cùng với đó, cho chủ trương hình thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực ở Đà Nẵng.

"Đây là những nội dung quan trọng mà Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với bộ ban ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội để báo cáo, xây dựng hồ sơ sửa đổi bổ sung Nghị quyết 119 của Quốc hội. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một nền tảng pháp lý hết sức quan trọng để tạo ra động lực để Đà Nẵng phát triển trong thời gian tới", ông Quảng nhấn mạnh.

Đọc bài gốc tại đây.