Bạo lực do vô minh

26/04 10:24
 

Điều gì thúc đẩy một người đầu tư cho một cơ sở giáo dục, ngồi lên người một em bé 5 tuổi, để nhét quýt vào miệng, bắt phải ăn?

Và một trẻ 6 tuổi khác, bị dồn ép dúm dó vào một góc tường, bị đánh vào đầu vì làm hỏng đồ chơi?

Điều gì là nguyên nhân của hành vi bạo lực này, không chỉ ở một cơ sở, mà nhiều cơ sở giáo dục khác nhau, trong suốt thời gian qua?

Mấy hôm nay theo dõi tin về việc chủ cơ sở giáo dục mầm non bạo hành trẻ nhỏ như vậy mà tôi thấy choáng váng.

Suy nghĩ kỹ, tôi thấy đó chỉ có thể là do sự vô minh trong giáo dục. Vô minh vì không biết bản chất công việc của mình là gì, dẫn đến hành xử theo cảm xúc và một quán tính bạo lực từ quá khứ trước đó, có thể là từ trong gia đình, hoặc nhà trường, nên họ thấy việc bạo lực với trẻ nhỏ là bình thường.

  • Đại diện Phòng Giáo dục TP Thủ Đức: Hình ảnh trẻ và cô trong lớp mầm non cần sự riêng tư

  • Công an vào cuộc xử lý chủ nhóm lớp mầm non bạo hành bé trai ở Thủ Đức

Sự vô minh đầu tiên là không tách bạch được cảm xúc cá nhân và công việc chuyên môn. Công việc chuyên môn thì có tiêu chuẩn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy định pháp lý... Còn cảm xúc cá nhân thì trầm bổng tùy theo tâm trạng và kích hoạt từ bên ngoài.

Do không tách bạch được cảm xúc và công việc, nên họ đã xử lý công việc dựa trên cảm xúc. Khi tức giận, có thể vì bất kỳ lý do nào đó, họ sẵn sàng ra tay để giải tỏa cơn giận, hoặc hành xử bản năng của cảm xúc tại thời điểm đó, bất chấp các tiêu chuẩn chuyên môn hay đạo đức nghề nghiệp.

Cũng do không phân biệt được cảm xúc cá nhân và công việc chung nên họ thường xuyên mang chuyện cá nhân vào công việc, dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động của cả tổ chức. Trong trường hợp này là đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục.

Sự vô minh thứ hai là do không hiểu được vai trò của trẻ nhỏ trong giáo dục. Họ cho rằng trẻ nhỏ là một đối tượng để gia công, nhào nặn trực tiếp tùy theo ý mình, như tờ giấy, như hòn đất sét.

Nên nhân danh giáo dục, đặc biệt khi được ngụy trang bằng các quan niệm sai lầm như "thương cho roi cho vọt", họ sẵn sàng sử dụng bạo lực để bạo hành trẻ nhỏ, nhằm đạt được "mục tiêu giáo dục" của mình.

Đây là cái sai, cũng là sự vô minh rất phổ biến trong ngành giáo dục, khi học sinh và trẻ em được coi là đối tượng giáo dục, chứ không phải là chủ thể giáo dục.

Vì là đối tượng nên phải chịu gia công, nhào nặn, thậm chí đàn áp, từ cha mẹ, thầy cô giáo, nhân danh giáo dục. Nếu họ hiểu được trẻ em là chủ thể của giáo dục thì họ đã không đè một em bé 5 tuổi ra sàn nhà, ngồi lên bụng, nhét quýt vào miệng bắt phải ăn như ta đang thấy.

Sự vô minh thứ ba là vô minh do không hiểu được bản chất công việc của giáo dục. Bản chất của người thầy, của nhà trường, và do đó của giáo dục, là nâng đỡ và phát triển con người. Để làm gì? Để tạo ra sự trưởng thành cho trẻ nhỏ.

Và trên hành trình đó, ta luôn phải nhớ và thấu hiểu rằng trẻ nhỏ là chủ thể của giáo dục. Còn chúng ta chỉ là người nâng đỡ và tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ phát triển, trưởng thành mà thôi.

Vì không hiểu được bản chất của giáo dục, nên thay vì nâng đỡ và phát triển con người, họ lại đày đọa con người nhân danh giáo dục.

Điều này đã lặp đi lặp lại vô số lần, ở rất nhiều nơi, với mọi cấp độ, từ gia đình đến nhà trường, dưới sự thúc ép của cảm xúc cá nhân và quán tính văn hóa.

Chính những vô minh này là nguyên nhân của các bạo lực trẻ nhỏ trong gia đình và nhà trường như ta đã thấy trong suốt thời gian qua.

Vì vậy, đã đến lúc bản thân những người làm giáo dục cũng cần phải được giáo dục lại, để bớt vô minh trong việc mình làm thì mới có thể giảm thiểu tình trạng này.

Đọc bài gốc tại đây.