Bộ Công an lên tiếng về hành vi bỏ xe khi bị xử lý vi phạm nồng độ cồn

24/04 09:24
 

Thời gian qua, không ít người khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã chấp nhận bỏ lại xe. Bộ Công an vừa lên tiếng trả lời vấn đề này.

Thời gian qua, không ít người khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã chấp nhận bỏ lại xe. Bộ Công an vừa lên tiếng trả lời vấn đề này.

Bạn đọc Dịu Nguyễn phản ánh, thời gian qua, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm.

Sau đó, không ít trong số những người vi phạm nồng độ cồn đã bỏ lại xe, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp.

Từ thực tế trên, bạn đọc hỏi, việc bỏ lại xe khi bị Cảnh sát giao thông tạm giữ sẽ ảnh hưởng như thế nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này? Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này trên Cổng Thông tin điện tử, Bộ Công an cho biết, về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm, tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Về xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng.

Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trước đó, Báo Lao Động phản ánh tình trạng các bãi đỗ xe vi phạm giao thông thường xuyên quá tải, một phần nguyên nhân do xe vi phạm nồng độ cồn tăng cao. Công an Hà Nội cho biết, trong năm 2023, đơn vị này đã tạm giữ 42.731 phương tiện, trong đó, ôtô là 4.713 chiếc; xe máy là 37.560 chiếc; xe máy điện là 326 chiếc; phương tiện khác gồm 117 xe; xe ba bánh là 15 chiếc.

Trao đổi với báo giới, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, Cảnh sát giao thông mở nhiều đợt xử lý vi phạm nồng độ cồn nên lượng xe bị tạm giữ gia tăng.

Năm 2023, cảnh sát xử lý hơn 651.000 trường hợp, trong đó vi phạm nồng độ cồn có gần 130.000 trường hợp vi phạm, chiếm 19,7% tổng số vi phạm về giao thông. Tổng số lượng môtô và ôtô bị tạm giữ là hơn 150.000 phương tiện, trong đó có hơn 1.500 ôtô vi phạm bị tạm giữ.

Đọc bài gốc tại đây.