Tự ý sử dụng hình ảnh các công ty phá sản, video cháy nhà xưởng trên báo chí sau đó chỉnh sửa bằng AI, kèm theo bài viết kêu gọi giúp đỡ.
Lợi dụng tính năng tạo fanpage miễn phí, các đối tượng lừa đảo đã lập hàng loạt trang rồi chạy quảng cáo "xả hàng cuối năm" trên mạng xã hội. Điều đáng nói, những sản phẩm "đại hạ giá" này đang mạo danh các thương hiệu nổi tiếng từ đồng hồ, flycam đến nước hoa, túi xách, robot hút bụi...
Chạy quảng cáo kiểu cầu cứu
Một ngày đầu năm 2025, Facebook của tôi hiển thị quảng cáo: Hỏa hoạn thiêu rụi 1.000m2 nhà kho sản xuất nước hoa, lấy đi cái Tết của 2.000 công nhân ở Bắc Ninh.
Trong đoạn quảng cáo này nổi bật là clip nhà kho đang bốc cháy ngùn ngụt, sau đó là lời kêu gọi tha thiết từ ban giám đốc "mua ủng hộ 3.000 chai nước hoa với giá giảm hơn 70% để công nhân có tiền lương Tết".
Những ngày sau, Facebook tiếp tục đề xuất nhiều quảng cáo tương tự: Một công ty sản xuất flycam tuyên bố phá sản và thanh lý 5.000 sản phẩm với giá giảm 65%, một xưởng robot hút bụi thông minh bị lửa thiêu rụi nay bán 2.000 chiếc với giá chỉ còn một nửa để gỡ vốn...
Hay loạt sản phẩm túi xách, đồng hồ hàng hiệu khác cũng được chạy quảng cáo với nội dung na ná: Công ty làm ăn thua lỗ, phá sản, ban giám đốc cầu cứu cộng đồng mạng mua hỗ trợ để có tiền trả lương cuối năm cho công nhân Việt Nam.
Thậm chí có trang còn tinh vi hơn, sử dụng những clip được đăng tải từ nhiều năm trước rồi chỉnh sửa bằng AI với nội dung: "Ban giám đốc người nước ngoài phát ngôn gây sốc với công nhân Việt Nam dẫn đến tình trạng tẩy chay nên hãng quyết định giảm cực khủng".
Một trang Facebook đã dùng clip vụ việc Formosa từ năm 2016 để chỉnh sửa, lừa đảo bán flycam giá rẻ.
Ngoài ra, để tạo sự tin tưởng, các đối tượng này còn tạo ra những đường link mua hàng giống hệt tên miền, tên thương hiệu của các nhãn hàng lớn.
Để tăng tương tác dụ người dùng thật, các tổ chức/cá nhân đứng đằng sau còn dùng nhiều phương thức tiếp thị làm mồi nhử, rất khó để phân biệt thật giả.
Bẫy lừa kiểu mới
Hiện đang có rất nhiều quảng cáo lừa đảo kiểu "xả hàng cuối năm" trên mạng xã hội Facebook. Tất cả đều chung một kịch bản: giả mạo nhãn hàng nổi tiếng có xưởng sản xuất tại Việt Nam nay phá sản vì bị hỏa hoạn, bị tẩy chay hoặc phải rút khỏi thị trường do không cạnh tranh được.
Sau đó là những lời kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ bằng cách mua sản phẩm để công ty có tiền trả lương Tết cho công nhân.
Việc đánh vào tâm lý "thương người như thể thương thân" này nhanh chóng "bắt trend", trở thành xu hướng vì nhiều người dùng nghĩ rằng đây là một câu chuyện thật và họ sẽ động lòng thương cảm, mua hàng ủng hộ.
Dưới clip giả mạo xưởng kho nước hoa bị lửa thiêu rụi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người bạn của mình bày tỏ thương tiếc, thậm chí có người bình luận đặt hàng hoặc gắn tên người thân vào ủng hộ. Chính hành động này đã khiến clip lừa đảo "lan tỏa", tiếp cận người dùng thật. Clip trên hiện đã có hơn 6.000 lượt like, hơn 1,5 triệu lượt xem và 3.000 bình luận.
Điều đáng nói, những người bạn này có kiến thức về Internet, từng biết về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, họ cũng đang bị cuốn vào chiêu lừa rất mới này mà không hề hay biết. Cứ thế, những quảng cáo sai sự thật, gây sốc, đánh vào tâm lý thương người, dễ tiếp cận người dùng thật đang lộng hành trên Facebook dịp cuối năm.
Điều này vừa gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có sản phẩm bị giả mạo vừa tác động trực tiếp đến người dân khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc bị lộ thông tin cá nhân khi đặt hàng, nhấp vào đường link lạ.
Bỏ quên quản lý fanpage?
Những quảng cáo kiểu như trên đều được chạy trên nền tảng trang (fanpage) Facebook. Vì thế, để ngăn chặn thì cần quản lý chặt những trang cộng đồng này. Tuy nhiên việc này rất khó quản lý khi việc tạo fanpage hiện vô cùng dễ dàng, và mỗi tài khoản Facebook cá nhân có thể tạo đến 25 trang.
Chưa kể tình trạng mua bán trang Facebook vốn rất nhộn nhịp trên chợ mạng. Những đối tượng lừa đảo online đã tận dụng kẽ hở này để tạo hàng nghìn trang sau đó chạy quảng cáo, đăng tin gây sốc, tạo tin giả… để tiếp cận người dùng thật.
Tôi mong rằng từ nghị định 147/2024 với các quy định về định danh trên mạng, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để kiểm tra, quản lý những trang kiểu này nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra cũng cần có những thông báo chính thức các doanh nghiệp đang bị giả mạo, những lời cảnh tỉnh từ báo chí, các KOL trên Facebook... để lan tỏa tin thật, đẩy lùi tin giả.
Đọc bài gốc tại đây.