Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao chất lượng người làm báo; đẩy mạnh chuyển đổi số báo...
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao chất lượng người làm báo; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; tạo điều kiện tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho người hoạt động báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cơ quan phải coi trọng công tác truyền thông chính sách; các cơ quan truyền thông, báo chí phải tích cực vào cuộc hơn nữa, nhất là phân tích những vấn đề mới, khó, phản ánh những bất cập, vướng mắc, đề xuất, ý kiến của những người thực thi chính sách.
Nâng cao chất lượng người làm báo
Năm 2025 là một năm có ý nghĩa đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam; là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị bước tới Đại hội XIV… Kỷ nguyên mới đang mở ra tương lai xán lạn của dân tộc. Kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Trong bất cứ thời kỳ nào, vai trò của Nhà nước trong quản lý báo chí là hết sức cần thiết, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là “quản lý báo chí” mà còn là “người kiến tạo môi trường phát triển báo chí”.
Trước làn sóng chuyển đổi số và áp lực từ các nền tảng công nghệ, báo chí đối mặt với nhiều thách thức về nguồn thu và giữ chân độc giả. Trong kỷ nguyên số, việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là điều tất yếu, giúp đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch, hiệu quả cho báo chí, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí được đánh giá là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí.
Khi báo chí phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ mô hình tổ chức, vận hành cho đến yêu cầu chuyển đổi số toàn diện… thì việc sửa đổi Luật Báo chí đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một “cú hích” mạnh mẽ, tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại bấy lâu nay.
Sự điều chỉnh kịp thời này không chỉ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý mà còn góp phần định hình một nền báo chí hiện đại, năng động, hòa nhịp với dòng chảy phát triển của truyền thông toàn cầu.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sửa luật này cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho các cơ quan báo chí hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao trong công tác thông tin tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp.
Ứng dụng AI không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn
Tại hội thảo hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số vừa diễn ra mới đây, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Trao đổi với Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ kỳ vọng vào bản lĩnh, ý chí của người làm báo, có thể định hướng và dẫn dắt được dư luận, phản biện kịp thời những luận điệu sai trái. Nhưng đồng thời, báo chí cũng cần được tạo điều kiện mọi mặt, để có thể sống được bằng nghề; cần tạo hành lang pháp lý vững chắc để báo chí ngày càng phát triển, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày.
Trước tiên, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để cập nhật với thực tiễn chuyển đổi số, đặc biệt là các mô hình mới như báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí đa nền tảng, vấn đề thu phí nội dung số, mô hình quản trị báo chí... Đồng thời, nên có quy định rõ ràng về các hoạt động kinh tế báo chí, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí triển khai các dịch vụ phụ trợ một cách minh bạch và đúng luật.
Theo đại biểu, Nhà nước cần có các cơ chế ưu đãi tài chính cho các tòa soạn đầu tư vào chuyển đổi số, phát triển nội dung số hoặc xây dựng nền tảng thuê bao. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới báo chí là rất cần thiết, để hỗ trợ các dự án thử nghiệm công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình tổ chức mới.
Đại biểu cũng nhấn mạnh báo chí phải làm chủ công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay tự động hóa không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn. Công nghệ giúp hiểu rõ độc giả hơn, từ đó cá nhân hóa nội dung, tối ưu hóa phân phối, nâng cao hiệu quả truyền thông. Nhiều tòa soạn hiện đại đã chuyển sang mô hình hội tụ, tích hợp sản xuất đa nền tảng từ báo in, điện tử, video, mạng xã hội đến podcast trong một hệ thống thống nhất.
Theo đại biểu Quốc hội, dù vụ việc xảy ra ở bất cứ đâu, hay bất cứ thời điểm nào, người làm báo đều dấn thân, lập tức có mặt tại hiện trường để ghi chép, phản ánh, lột tả rất tỉ mỉ, chân thực sự việc đang diễn ra. Người làm báo thực sự đã đồng điệu trong hơi thở và nhịp đập của cuộc sống. Điều đó càng làm cho tính lan tỏa của thông tin lên được tới đỉnh cao nhất. Không chỉ phản ánh đơn thuần, chính cảm xúc của người làm báo ẩn trong mỗi bài viết đã góp phần lan tỏa đến không chỉ với đại biểu Quốc hội, mà còn chạm đến trái tim cử tri, nhân dân và trong toàn xã hội.
Đọc bài gốc tại đây.