Chọn lối đi riêng để mời “đại bàng” FDI

07/05 09:30
 

Đã có một số ý kiến tỏ ra lo lắng khi lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Apple đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu...

Đã có một số ý kiến tỏ ra lo lắng khi lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Apple đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng sau đó lại công bố dự án đầu tư tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Tại cuộc họp báo của Chính phủ đầu tháng 5, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đỗ Thành Trung đã đưa ra nhận định: “Thu hút đầu tư, khả năng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn là một trong 3 đột phá mà nghị quyết của Đảng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII. Việt Nam đã rất cố gắng để vận động, thu hút đầu tư của nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử bán dẫn… Các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đầu tư ở Việt Nam mà còn đầu tư ở rất nhiều quốc gia khác nhau, nên việc họ đầu tư vào Việt Nam hay đầu tư ở quốc gia khác là chuyện bình thường”.

Trên thực tế, thu hút đầu tư nước ngoài tại châu Á và khu vực Đông Nam Á ngày càng cạnh tranh gay gắt. Nhiều nước đưa ra ưu đãi bằng tiền, chẳng hạn như Ấn Độ chi tới 100 - 500 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI đầu tư các dự án lớn. Hay như Indonesia đang có lợi thế về giá nhân công…

Điều này có nghĩa là nếu cạnh tranh bằng thuế, hỗ trợ tài chính hay giá nhân công, năng suất lao động thì “cửa” của Việt Nam hẹp dần.

Theo các chuyên gia, liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.

Bài học về 5 sẵn sàng của Nghệ An khi thu hút FDI có thể mang đến những gợi ý tốt cho các địa phương khác, thậm chí ở tầm quốc gia. Đó là: Sẵn sàng về mặt bằng; sẵn sàng về cơ sở hạ tầng; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ.

Hiện nay, về cơ bản Việt Nam sẵn sàng ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn có độ “trễ” trong việc thích ứng về yêu cầu của các nhà đầu tư. Đơn cử như những chính sách để giữ lợi thế khi chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu chưa rõ ràng, đào tạo nhân lực cho công nghệ mới, đặc biệt công nghệ bán dẫn vẫn còn phải đợi vài năm nữa hay gần nhất là việc đảm bảo cung ứng điện vẫn còn nhiều thách thức.

Bộ KHĐT khẳng định, việc nhiều “đại bàng” đến Việt Nam nhưng công bố đầu tư ở nước khác không đáng lo ngại. Bởi lẽ mỗi “ông lớn” công nghệ sẽ chọn các địa điểm đầu tư thích hợp cho mỗi dự án và dễ hiểu là họ không “đặt tất cả trứng vào một giỏ”- theo nghĩa là dồn tổng lực đầu tư ở một quốc gia.

Bộ KHĐT cũng tiết lộ sẽ có trên 10 dự án quy mô lớn các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai... đang được thương thảo và nhiều dự án sẽ sớm triển khai ngay trong năm 2024.

Chọn lối đi riêng, dựa vào lợi thế đang có về sự ổn định chính trị, địa lý, nguồn tài nguyên… để có lối đi riêng chính là cách thu hút nguồn FDI bền vững, lâu dài.

Đọc bài gốc tại đây.