Cuộc trốn tù của hai phi công chở 680 kg cocaine

04/07 00:00
 

Bị phát hiện hơn 680 kg cocaine chất đầy 26 valy trên máy bay phản lực, hai phi công người Pháp Pascal Fauret và Bruno Odos phải nhận 20 năm tù nhưng đã tìm cách chạy trốn về nước.

Ngày 20/3/2013, các quan chức Cộng hòa Dominica phát hiện hơn 680 kg cocaine, giá trị thị trường là 20 triệu euro, được giấu trong 26 chiếc valy trên máy bay phản lực tư nhân do hai phi công Pascal Fauret và Bruno Odos điều khiển.

Chiếc máy bay phản lực Dassault Falcon 50 được lên lịch cất cánh từ Sân bay Punta Cana và hạ cánh tại một sân bay nhỏ gần Saint-Tropez, miền Nam nước Pháp. Số lượng hành lý nhiều đến nỗi không thể nhét hết toàn bộ vào khoang chứa hàng, phải chất cả vào phòng nghỉ trên máy bay.

Cảnh sát Cộng hòa Dominica bắt giữ bốn người Pháp tại hiện trường, gồm hai phi công, một thành viên phi hành đoàn và một hành khách.

'Không biết có cocaine trên máy bay'

Pascal và Bruno, hai phi công người Pháp, không có tiền án và có lịch sử bay lừng lẫy khi từng là phi công chiến đấu của hải quân và không quân Pháp, vận chuyển vũ khí hạt nhân trước khi chuyển sang lái máy bay thương mại.

Chiếc máy bay phản lực chở cocaine vốn thuộc về doanh nhân người Pháp Alain Afflelou, chủ chuỗi cửa hàng chuyên về kính mắt và dụng cụ quang học. Vào thời điểm họ bị bắt, máy bay đang được thuê lại bởi SN-THS, một công ty cho thuê máy bay phản lực tư nhân có trụ sở tại đông nam nước Pháp, với mức giá thông thường theo giờ là 6.250 USD.

Cả hai phi công phủ nhận việc biết có cocaine trên máy bay. "Họ báo cho tôi ngày bay, và tôi bay. Tôi không bao giờ biết mục đích của chuyến đi", Pascal nói. Ông khẳng định phi công không có thẩm quyền kiểm tra hành lý của hành khách. "Nếu tôi mở chúng ra, khách có thể khiếu nại", Pascal nói.

Luật sư đại diện cho Pascal và Bruno cho biết theo luật pháp quốc tế, phi công thương mại không chịu trách nhiệm về hàng hóa trên máy bay, trừ khi có thể chứng minh họ biết họ đang vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.

Ngoài Pascal và Bruno, thành viên phi hành đoàn Alain Castany và hành khách Nicolas Pisapia cũng bị bắt sau vụ việc. Khoảng 20 cảnh sát và hải quan Cộng hòa Dominica bị buộc tội trong vụ án, cũng như người môi giới bị cáo buộc Frank Colin.

Frank được cho là đã liên lạc với Alain nhờ tìm một chiếc máy bay tư nhân cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, Alain chỉ dẫn cho anh ta đến công ty SN-THS.

Frank phủ nhận mọi liên quan đến hành vi buôn lậu và tuyên bố sắp xếp các chuyến bay theo yêu cầu của một người anh ta gặp ở hộp đêm tên là "Daryan".

Trước khi thực hiện chuyến đi thay đổi cuộc đời, Pascal và Bruno đã lái hai chuyến bay khác, một đến Saint-Tropez và một đến Ecuador. Nicolas cũng có mặt trên hai chuyến bay đó.

'Lỗ hổng' buôn lậu qua Pháp

Vụ án thu hút sự chú ý lớn, được truyền thông Pháp đặt biệt danh là "Air Cocaine".

Kênh truyền hình Pháp Canal+ đã sản xuất một bộ phim tài liệu điều tra về việc buôn lậu hàng hóa bất hợp pháp qua Pháp dễ dàng như thế nào. Bộ phim được phát sóng vào tháng 9/2014, nêu bật những điểm yếu và thiếu sót của hệ thống kiểm soát máy bay tư nhân.

Các phóng viên mang theo một chiếc valy chứa đầy tiền giả cất cánh từ một sân bay của Pháp và hạ cánh tại Guernsey - "thiên đường thuế" của Anh ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Pháp. Các phóng viên đẩy hành lý qua các văn phòng hải quan vắng tanh. Họ cũng chứng minh cách một máy bay phản lực tư nhân có thể được sử dụng để buôn người di cư giữa Pháp và Anh ra sao.

Nicolas Barraud, giám đốc truyền thông của hải quan Pháp, giải thích các nhân viên hải quan hầu như vô hình tại các sân bay nhỏ của đất nước này là do việc giám sát ở đây không được thực hiện bởi các nhân viên hải quan mặc đồng phục, mà bởi các nhân viên tình báo.

Ông Barraud cũng chỉ ra rằng một số chuyến bay nhất định, như các chuyến bay từ Nam Mỹ hoặc vùng Caribe, thường có dấu hiệu cảnh báo và thường xuyên phải kiểm tra. Ông cho biết các nhân viên hải quan chủ yếu dựa vào thông tin tình báo từ người cung cấp thông tin, với mức phí tương ứng với quy mô của vụ việc.

Theo Barraud, máy bay phản lực tư nhân chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động buôn bán ma túy trên không, phần lớn vụ bắt giữ do nhân viên hải quan thực hiện là những "con la" ma túy trên các chuyến bay thương mại, hầu hết được trả 600 euro để vận chuyển khoảng một kg cocaine dạng viên nang. Ông Barraud cho biết, thuê "con la" ma túy ít rủi ro và ít tốn kém hơn so với việc thuê một chiếc máy bay riêng, nhất là máy bay xuyên Đại Tây Dương thì càng dễ bị các cơ quan giám sát phát hiện.

Trốn chạy bản án 20 năm tù

Kể từ khi bị bắt, hai phi công phải ngồi tù 15 tháng. Họ được thả vào tháng 6/2014, nhưng bị cấm rời khỏi Cộng hòa Dominica cho đến khi xét xử.

Trên phiên tòa vào tháng 8/2015, Pascal và Bruno bị tuyên án 20 năm tù vì tội buôn ma túy. Trong số 10 người Cộng hòa Dominica bị buộc tội đồng lõa trong vụ án này, 6 người được tuyên trắng án và bốn người khác bị phạt từ 5 đến 10 năm tù.

Frank bị kết án 12 năm tù, một người đàn ông tên Ali Bouchareb bị coi là kẻ cầm đầu trong vụ buôn lậu cocaine và bị kết án 18 năm tù.

Pascal và Bruno được bảo lãnh tại ngoại vào tháng 10/2015 trong khi chờ phán quyết kháng cáo. Dù bị cấm rời khỏi Cộng hòa Dominica, họ được cho là đã bay trở lại Pháp với sự giúp đỡ của một chính trị gia người Pháp, các cựu sĩ quan hải quân và cựu điệp viên tình báo - những "bạn bè" từ thời họ còn phục vụ trong quân đội. Bộ ngoại giao Pháp phủ nhận mọi liên quan.

Một đài truyền hình Pháp tuyên bố rằng Pascal và Bruno đã rời khỏi Cộng hòa Dominica trên một chiếc du thuyền vào 28/10/2015, sau đó được đưa lên một chiếc thuyền lớn hơn đưa họ đến Antilles thuộc Pháp. Tại đây, bộ đôi đáp chuyến bay thương mại đến Paris dưới tên thật.

Trong cuộc họp báo sau khi trốn thoát, Pascal nói bị kết án 20 năm tù "chỉ vì lý do duy nhất là chúng tôi là người Pháp". Ông kể bị biệt giam trong hai tuần, sau đó chuyển đến một phòng giam rộng 6 m2.

Khi trở về Pháp, Pascal và Bruno bị chính quyền bắt lại vào tháng 11/2015. Luật sư của hai phi công cho biết họ trở về "không phải để chạy trốn công lý mà là để tìm kiếm công lý".

Tháng 2/2016, tòa phúc thẩm ở Cộng hòa Dominica bác đơn kháng cáo của Pascal và Bruno, giữ nguyên bản án 20 năm tù.

Năm 2019, tòa án Pháp tuyên phạt Pascal và Bruno 6 năm tù vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ án.

Hai năm sau bản án, ngày 9/7/2021, Pascal và Bruno được tuyên trắng án sau khi một nhân vật chủ chốt (không được nêu tên) trong vụ án nói với các điều tra viên rằng hai phi công đã "bị lừa" và vô tình trở thành quân cờ trong âm mưu này.

Câu chuyện của Pascal và Bruno được tái hiện trong loạt phim tài liệu Cocaine Air: Smugglers at 30,000 Ft. Trong đó, cả hai nói đã không lái máy bay kể từ năm 2013.

Các nhà làm phim Olivier Bouchara và Jérôme Pierrat chia sẻ rằng chính họ cũng không chắc chắn về việc các phi công thực sự biết được bao nhiêu về vụ buôn lậu.

"Đôi khi, đang quay một cảnh, chúng tôi nhìn nhau và nghĩ 'Khoan đã, có lẽ họ biết, có lẽ họ tham gia vào chuyện này'. Hay những lần khác, chúng tôi tình cờ phát hiện một chi tiết khiến chúng tôi lại nghi ngờ mọi thứ", Olivier nói với TIME vào tháng 6 vừa qua.

Tuệ Anh (Theo People, France24, Vice)

Đọc bài gốc tại đây.