Cuộc sống ở những ngôi làng làm nghề tái chế

27/04 06:30
 

Hàng trăm cột khói đen bốc lên nghi ngút cũng là từng ấy nhà xưởng tái chế rác thải hoạt động suốt ngày đêm đã khiến cuộc sống của người...

Hàng trăm cột khói đen bốc lên nghi ngút cũng là từng ấy nhà xưởng tái chế rác thải hoạt động suốt ngày đêm đã khiến cuộc sống của người dân tại nhiều làng nghề tái chế như thôn Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội)... luôn sống trong cảnh mịt mờ khói bụi, ngột ngạt bởi mùi nhựa, hóa chất.

Những núi rác khổng lồ

Ngay từ đường 5 dẫn vào thị trấn Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) rồi vào thôn Minh Khai, san sát những dãy nhà xưởng tái chế rác với ngổn ngang các loại chất thải. Từ bên trong khu nhà xưởng, những cột khói đen sì, đậm đặc bay lên, mùi nồng nặc đến mức ai đi qua cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Cũng từ khu vực này, hai dòng nước thải đen sì được đổ thẳng xuống kênh mương của làng, sủi bọt trắng xóa.

Hầu như các hộ gia đình ở thôn Minh Khai đều mở xưởng nấu nhựa. Túi nilon, bao PP phế liệu, rác thải chất cao thành núi. Nhựa phế thải khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... đều được chở về đây. Tiếng máy cạo, máy xay, máy nghiền rác inh ỏi suốt ngày đêm, mùi khét nồng nặc.

Chị Nguyễn Thị Hồng - một hộ kinh doanh hàng tạp hóa ở thôn Minh Khai cho biết, những người làm nghề tái chế nhựa chấp nhận sống chung với ô nhiễm để có thu nhập, còn những người dân sống lân cận không làm nghề tái chế nhựa vẫn phải hàng ngày hứng chịu ô nhiễm.

“Rác nhựa bị đổ, đốt bừa bãi, nước thải đổ xuống sông suốt ngày, lúc nào tôi cũng thấy mùi nhựa khét thoang thoảng trong không khí do rác nhựa bị đốt. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình”, chị Hồng cho hay.

Ghi nhận của Lao Động, quy trình để làm ra một sản phẩm hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn khiến nhiều người rùng mình. Rác thải sau khi phân loại và rửa được đem vào các cỗ máy thủ công, hoen rỉ để nghiền nhỏ. Sau đó, những nguyên liệu này được đổ vào lò nấu, tạo ra hỗn hợp đặc sệt. Hỗn hợp này tiếp tục được cho vào máy cán sợi để tạo ra các hạt nhựa.

Hạt nhựa sẽ phân thành 2 loại là nhựa HD có độ dẻo, màu trắng trong, giá thành cao và một loại nhựa giá “bèo” hơn, có màu đục là nhựa PP.

“Vì lợi nhuận, đa số xưởng tái chế nhựa dùng một lần, các sản phẩm hộp xốp đựng thực phẩm đều có pha nhựa PP. Độc cũng phải chịu”, chị Thuận - chủ một xưởng tái chế nổi tiếng tại thôn Minh Khai cho hay.

Việc tái chế rác thải gây ô nhiễm không chỉ ở thôn Minh Khai, tỉnh Hưng Yên, ngay tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) hay thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) vốn nổi tiếng với nghề tái chế rác thải nhựa nhưng cũng là những địa chỉ được cơ quan chức năng, truyền thông thường xuyên “điểm danh” vì gây nhiều hệ lụy cho môi trường khu vực.

Phải xây dựng được thị trường cho sản phẩm nhựa tái chế

Theo các chuyên gia, tái chế rác thải là cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm nhưng nếu phát triển manh mún, công nghệ lạc hậu thì tái chế lại gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Điều đáng nói, chất thải nhựa không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại.

Hiện nay, công nghệ xử lý rác thải cơ bản là chôn lấp (chiếm khoảng 70%), 15% là tái chế và 15% là đốt. Nếu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hay túi nilon khó phân hủy vẫn được sử dụng tràn lan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng cho hay, để chống rác thải nhựa, quan trọng nhất là phải xây dựng được thị trường cho sản phẩm nhựa tái chế. Phải có quy định chính sách để phát triển thị trường tái chế; từ đó sẽ giảm việc vứt bỏ sản phẩm nhựa ra môi trường.

“Chống ô nhiễm rác thải nhựa, vấn đề đầu tiên phải giảm tỉ lệ vứt bỏ loại chất thải này ra môi trường, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm từ nhựa. Mà muốn làm được điều này, phải có chính sách phát triển thị trường nhựa tái chế”, ông Vượng nhận định.

Đọc bài gốc tại đây.